Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La có 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Đó là kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thực sự là “trụ đỡ” cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị nông sản địa phương.
Thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến
Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến nông sản hiện có; tại các huyện, thành phố có ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm.
Theo đó, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong năm 2022, với 11 nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung rà soát phương án quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến của tỉnh gắn với phương án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ khuyến khích các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Trong 2 năm qua, tỉnh Sơn La đã cấp chủ trương đầu tư mới 5 dự án, gồm: Dự án Nhà máy chế biến đường lỏng Glucose BHL Sơn La, trong Khu công nghiệp Mai Sơn, công suất 60.000 tấn đường glucose/năm; Nhà máy chế biến nông sản của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tại huyện Mộc Châu; dự án đầu tư chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp Mộc Châu của Công ty Thương mại Tây Bắc trong cụm công nghiệp Mộc Châu; Tổ hợp Trang trại sinh thái và Trang trại bò sữa công nghệ cao Mộc Châu của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Trung tâm chế biến rau, quả thực phẩm Doveco của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Ông Phạm Hải Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, cho biết: Công ty đang triển khai dự án tổ hợp “Thiên đường sữa Mộc Châu” quy mô trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với 4.000 con gắn với khu cảnh quan sinh thái phục vụ du lịch cùng nhà máy chế biến sữa công nghệ cao. Trong quá trình triển khai, công ty luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chúng tôi phấn đấu đưa Mộc Châu trở thành “thủ phủ” bò sữa công nghệ cao của Việt Nam trong giai đoạn 2020-2025.
Cùng với đó, tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện các cơ sở công nghiệp hiện có nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị. Đến nay, đã hỗ trợ trên 27 tỷ đồng, hình thành 22 cơ sở sơ chế bảo quản nông sản quy mô công nghiệp, trong đó 7 HTX, 5 doanh nghiệp và 656 cơ sở quy mô hộ gia đình. Tại các vùng nguyên liệu quả của tỉnh, đã hình thành một số cơ sở sơ chế, đóng gói nông sản đảm bảo cho việc bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ.
Sở hữu 6 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc, sản xuất ra nhiều sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, HTX đầu tư 2 mấy sấy điện, công suất 8 tấn quả tươi/ngày; máy sấy lạnh công nghệ Hàn Quốc. Với 3 máy sấy hiện có, HTX nâng công suất thu mua, chế biến lên khoảng 300 tấn hoa quả tươi/năm, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con.
Trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc
Với chủ trương đúng, trúng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Sơn La đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Sơn La. Đến nay, toàn tỉnh có 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2022 của tỉnh tăng trung bình 11,6%/năm, vượt mục tiêu 9,5%/năm. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản theo giá so sánh năm 2010 đạt 4.667 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2021; giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt 149,6 triệu USD, chiếm 91,7% giá trị nông sản thực phẩm tham gia xuất khẩu.
Điểm nhấn cho sự phát triển là Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vừa khánh thành, đi vào hoạt động tháng 5 vừa qua. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại, xây dựng trên diện tích gần 9 ha, với tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, gồm các dây chuyền sản xuất đông lạnh công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền đồ hộp công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sấy và các sản phẩm khác công suất 12.000 tấn sản phẩm/năm. Toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất theo công nghệ hiện đại của Italia, Nhật Bản và Trung Quốc. Các dây chuyền khi hoạt động hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo ra các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, hoàn thiện về chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn những thị trường khó tính nhất trên thế giới.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết: Khi hoạt động hết công suất, Doveco Sơn La ước chế biến nông sản đạt công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; doanh thu ước 1.800 đến 2.000 tỷ đồng/năm. Công ty mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo của địa phương, nhất là sự đồng hành ủng hộ của nhân dân trên địa bàn tỉnh để công ty mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo khối lượng đầu vào quy trình chế biến, đồng nghĩa góp phần giải quyết bài toán lao động địa phương.
Trong bước đi tiếp theo, tỉnh Sơn La đang tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Trên cơ sở phân tích những hạn chế, Tỉnh ủy đã giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã và đang tạo nên sự đột phá, đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, đưa Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!