Tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thuộc Sở Công Thương đã triển khai các đề án hỗ trợ nhiều cơ sở công nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập và quảng bá sản phẩm.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ máy sấy thăng hoa cho HTX Đông trùng hạ thảo Mộc Châu.

Năm 2018, HTX cà phê Bích Thao Sơn La, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, Thành phố được hỗ trợ máy phân loại cà phê từ Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cà phê từ Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp của Sở Công Thương. Hiện nay, trung bình mỗi HTX xuất bán từ 2.000-4.000 tấn cà phê nhân, 12 tấn cà phê bột nguyên chất. Trung bình doanh thu đạt 40-60 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, thu nhập 8-10 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm cà phê rang xay của HTX cà phê đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao Sơn La, chia sẻ: Trước đây, HTX phải làm thủ công, mất nhiều thời gian và công sức. Khi HTX được hỗ trợ 43% kinh phí mua máy tách màu, phân loại hạt vào sản xuất cà phê có trị giá hơn 450 triệu đồng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giảm phế phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2023, HTX đông trùng hạ thảo Mộc Châu, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu được hỗ trợ kinh phí mua 1 máy sấy thăng hoa công suất 30 kg nguyên liệu/mẻ và 1 nồi hấp tiệt trùng công suất 400 lít nguyên liệu/mẻ, tổng giá trị 405 triệu đồng; trong đó, Đề án hỗ trợ 192 triệu đồng.

Anh Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX, cho biết: Khi chưa được hỗ trợ, HTX phải đưa sản phẩm đông trùng hạ thảo xuống Hà Nội để sấy, mất rất nhiều chi phí và thời gian vận chuyển, bảo quản. Được hỗ trợ máy móc, thiết bị đã giúp HTX hoàn thiện đầu tư dây chuyền sản xuất trên 400 kg sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô/năm. Đặc biệt, bảo đảm sản xuất ít gây tác động xấu đến môi trường, góp phần giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho 5 lao động trực tiếp tại với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2018 đến nay, thông qua nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ nhiều nhóm công nghiệp nông thôn, như: Nhóm sản xuất, chế biến gỗ, chè, may mặc, sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm, kinh phí hỗ trợ hơn 3,5 tỷ đồng. Các thiết bị máy được hỗ trợ đang hoạt động tốt.

Ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp, đánh giá: Nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương những năm qua đã tác động lớn tới sự phát triển của ngành công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở, nhất là cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của tỉnh ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều cơ sở đã mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, một số cơ sở đã từng bước tiếp cận được thị trường xuất khẩu.

Tiếp sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tiếp tục lựa chọn đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Tư vấn cho các cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương.

Bài, ảnh: Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới