Nâng cao quyền năng, vị thế kinh tế - xã hội và khả năng thích ứng của phụ nữ các dân tộc tỉnh Sơn La, dự án GREAT Sơn La giai đoạn 2 chính thức khởi động, mở rộng mô hình, hệ thống thị trường. Đồng thời, lồng ghép giới, tập trung vào phát triển các ngành hàng tiềm năng lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Nâng cao vai trò vị thế phụ nữ
Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch (Dự án GREAT) là một sáng kiến trong chương trình viện trợ của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam, tổng giá trị viện trợ 67,4 triệu đô la Úc, thực hiện trong 10 năm (2017-2027) chia làm 2 giai đoạn, triển khai tại 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai.
Tại tỉnh Sơn La, Dự án GREAT 1 thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022, tổng vốn đầu tư trên 202 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA không hoàn lại trên 191 tỷ đồng; vốn đối ứng gần 11 tỷ đồng. Giai đoạn này, dự án đã áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả xây dựng, phát triển hệ thống thị trường trong các ngành hàng nông nghiệp, du lịch, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số.
Điển hình, triển khai dự án huyện Vân Hồ, thành lập 3 HTX, 9 tổ hợp tác, gần 700 phụ nữ dân tộc thiểu số các xã: Xuân Nha, Tân Xuân và Chiềng Xuân tham gia vào tổ hợp tác cung ứng măng an toàn. Các thành viên được đào tạo, hướng dẫn thu hái, chế biến măng rừng tự nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ; hỗ trợ dụng cụ phục vụ chế biến, nhà xưởng, nhà sấy năng lượng mặt trời; liên kết sản xuất tiêu thụ các công ty xuất khẩu; tư vấn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đưa lên sàn thương mại điện tử...
Ngoài ra, một số mô hình lĩnh vực nông nghiệp được nhân rộng trong và ngoài huyện Vân Hồ, như: Liên kết sản xuất cây gai xanh AP1, cây măng bát độ; hỗ trợ hình thành, mở rộng chuỗi liên kết tiêu thụ rau an toàn; hỗ trợ 29 doanh nghiệp, HTX quy mô nhỏ do nữ làm chủ mở rộng kinh doanh, áp dụng mô hình kinh doanh số. Hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật tăng sản lượng, giá trị, như: Công nghệ tưới tiêu thông minh vận hành trên điện thoại thông minh; trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa theo thời điểm mong muốn; sản xuất rau ăn lá ngắn ngày an toàn sử dụng màng phủ vải không dệt Pass lite; xây dựng nhà màng sản xuất rau, nhà sấy năng lượng mặt trời; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm...
Về lĩnh vực du lịch triển khai trên địa bàn huyện Mộc Châu, dự án hỗ trợ vận hành mô hình du lịch cộng đồng bản Tà Số, xã Chiềng Hắc; hỗ trợ 17 hộ làm dịch vụ homestay bản Vặt, xã Mường Sang nâng cấp mô hình du lịch cộng đồng; hỗ trợ kỹ thuật vận hành chợ đêm du lịch tại Thị trấn Nông trường Mộc Châu. Xây dựng và xuất bản cuốn sách “Cẩm nang du lịch Mộc Châu”, “Quy trình phát triển du lịch cộng đồng”, Website “Du lịch Tà Số”. Tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, làm dịch vụ các tổ, nhóm homestay, văn nghệ…
Kết thúc giai đoạn 1, Dự án GREAT Sơn La đạt con số ấn tượng: Tỷ lệ nữ nông dân cải thiện thu nhập đạt 90%; tỷ lệ phụ nữ hưởng lợi tự tin đạt 86%, vượt chỉ tiêu 6%; 97% phụ nữ hưởng lợi tham gia vào việc ra quyết định trong gia đình; phụ nữ lãnh đạo tổ nhóm vượt 37%; doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc lãnh đạo vượt 15% so với mục tiêu; tổng huy động vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cho các cơ hội kinh doanh đem lại lợi nhuận, bền vững và bao trùm đạt 6 triệu USD, đạt 100% kế hoạch...
Khởi động dự án giai đoạn 2
Dự án GREAT 2 triển khai từ năm 2023 đến năm 2027, trên địa bàn 12 huyện, thành phố, tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng, trong đó: Vốn ODA không hoàn lại 236 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 1,5 tỷ đồng. Dự án có 3 hợp phần chính: Phát triển hệ thống thị trường lĩnh vực nông nghiệp và du lịch tỉnh; chiến lược hỗ trợ 4 vấn đề xuyên suốt (tiếp cận tài chính, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ, truyền thông thay đổi hành vi); hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách.
Trong phát triển nông nghiệp, dự án tập trung kỹ năng, đào tạo người sản xuất là phụ nữ gắn với quan hệ đối tác theo chuỗi giá trị, như: Mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; gia tăng giá trị sản phẩm các tổ chức do phụ nữ lãnh đạo thông qua việc thành lập nhóm sản xuất, xây dựng năng lực; hợp tác tập hợp sản phẩm, chế biến, tiếp thị; liên kết, phát triển hợp tác kinh doanh thông qua thiết lập củng cố hợp đồng thương mại giữa bên sản xuất và tiêu thụ; cải thiện các dịch vụ kèm theo và quản lý chuỗi cung ứng của các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Đối với phát triển du lịch, dự án huy động các bên liên quan trong cộng đồng, khu vực công, tư nhân phối hợp quản lý điểm đến; thử nghiệm, hoàn thiện các mô hình và cơ chế khả thi để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào quy hoạch điểm đến; thử nghiệm các mô hình hợp tác công bằng, minh bạch cùng đầu tư vào các điểm đến có giá trị cao; thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, phát triển sản phẩm bảo tồn văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, sự phù hợp của các dịch vụ đào tạo phụ nữ dân tộc thiểu số... Bên cạnh đó, dự án tập trung hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, thực thi chính sách cấp tỉnh, giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới; hỗ trợ kỹ thuật triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và các chiến lược ngành hàng có lồng ghép giới tốt hơn...
Về nguồn lực, Dự án GREAT 2 không hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho dự án hay người dân tham gia dự án mà chủ yếu hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nên việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của nhà tài trợ cần được Tư vấn dự án và Ban quản lý dự án của tỉnh tính toán cụ thể, giúp dự án thực hiện đạt mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!