Thuận Châu tập trung chăm sóc cây ăn quả

Huyện Thuận Châu có trên 4.300 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, chanh leo, bơ, nhãn, thanh long, sản lượng trên 21.450 tấn quả/năm. Thời điểm này, các nhà vườn, các thành viên HTX trên địa bàn huyện đang tập trung chăm bón, đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, xoài sai hoa, đậu nhiều quả. Tại xã Liệp Tè, có hơn 200 ha xoài tượng da xanh. Với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nhân dân trong xã đang tập trung chăm sóc xoài theo quy trình VietGAP để sản phẩm xoài đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Nhân dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu chăm sóc xoài tượng da xanh

Anh Quàng Văn Thiên, HTX Dịch vụ tổng hợp cây ăn quả xã Liệp Tè, chia sẻ: Gia đình tôi có 5 ha xoài tượng da xanh, năm nay quả xoài đậu nhiều. Gia đình tôi đang vun gốc, bón phân đợt 2, cắt tỉa cành, phun thuốc chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh thán thư ở cây xoài. Khoảng 10 ngày nữa, khi xoài qua giai đoạn rụng quả sinh lý, sẽ chọn những quả xoài đạt tiêu chuẩn để lại và tỉa bớt những quả không đạt chất lượng. Khoảng 20-25 ngày/lần, bón phân hữu cơ với phân chuồng để cây xoài khỏe mạnh, cung cấp dinh dưỡng cho quả.

Còn tại xã Mường Khiêng, ông Quàng Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng, cho biết: Xã đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với cán bộ chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động bà con, các HTX tăng cường chăm sóc xoài đúng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ. Các HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng; vận động các hộ, các HTX liên kết sản xuất và chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Năm 2023 phấn đấu xuất khẩu 70 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc. 

Nông dân xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu phun chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh cho cây xoài

Huyện Thuận Châu còn có gần 60 ha thanh long, tập trung tại các xã: Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lăng. Ngay từ đầu năm nay, UBND huyện đã làm việc với HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm quả thanh long cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con chăm sóc; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm. Sản lượng thanh long của huyện hằng năm đạt khoảng 600 tấn quả/năm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Anh, Pháp, Trung Quốc. 

Ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, cho biết: HTX đã phối hợp với các hộ dân, các HTX trên địa bàn huyện Thuận Châu hướng dẫn các thành viên và nhân dân áp dụng quy trình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, lưu trữ hồ sơ nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Thực hiện bao trái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu. HTX đã xây dựng phương án kế hoạch, kết nối với nhiều đơn vị để tìm đầu ra ổn định cho thanh long ruột đỏ.

Thành viên HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha chăm bón thanh long

Chị Lò Thị Dưng, thành viên HTX nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, cho biết: Gia đình có 1,7 ha thanh long ruột đỏ, sản lượng đạt hơn 20 tấn/năm. Trước đây, trồng thanh long chủ yếu theo hướng tự phát, giá bán không cao. Từ khi tham gia sản xuất thanh long VietGAP, được học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận quy trình sản xuất thanh long sạch, thị trường bền vững. Hiện nay, gia đình tiếp tục áp dụng quy trình kỹ thuật trồng thanh long, quan tâm  chăm sóc bằng phân chuồng ủ hoai mục và thuốc trừ sâu sinh học. 

Vài năm trở lại đây, huyện Thuận Châu đã quy hoạch, đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng hàng hóa. Khuyến khích nhân dân áp dụng các biện pháp thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đưa các loại giống chất lượng cao, thời gian thu hoạch khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường. Huyện duy trì và phát triển 25 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 107 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện nghiên cứu xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ, kết nối với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm cây ăn quả, đảm bảo đầu ra cho nhân dân.

Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu, cho hay: Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ phối hợp với các xã hướng dẫn các HTX, hộ gia đình áp dụng kỹ thuật tiên tiến chăm bón trên 4.300 ha xoài, nhãn, thanh long, chanh leo, bưởi, mận. Thực hiện tốt quy trình sản xuất an toàn. Tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sinh trưởng của cây và sử dụng đúng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng loại bệnh và nằm trong danh mục cho phép. Thời điểm này toàn bộ diện tích cây ăn quả của huyện Thuận Châu được chăm bón, phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, hứa hẹn những vụ mùa bội thu, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Vùng trồng xoài xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu
Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới