Thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã và đang được tỉnh Sơn La chú trọng. Đây là hình thức đầu tư thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh cải cách hành chính thu hút đầu tư.

Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án PPP, bao gồm: Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO); hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO); hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M); hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL); hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT); hợp đồng hỗn hợp.

Lĩnh vực đầu tư áp dụng theo phương thức PPP, bao gồm: Giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực; thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: So với những phương thức đầu tư khác thì đầu tư theo phương thức PPP có ưu điểm huy động được nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước tham gia vào đầu tư xây dựng dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt áp lực vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, đảm bảo mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Hơn nữa, đầu tư theo phương thức PPP phần lớn các loại hợp đồng lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu, nâng cao tính minh bạch, khách quan trong đầu tư, lựa chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm tài chính và năng lực.

Công trình Trụ sở HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ngành, đoàn thể tỉnh hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 4/2020, là dự án được triển khai thực hiện theo phương thức PPP và thuộc hợp đồng BLT. Dự án có quy mô 1 khối nhà 9 tầng, 2 khối nhà 6 tầng và khối hội trường 2 tầng, tổng diện tích sàn 28.047m2, tổng mức đầu tư gần 423,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư trên 418 tỷ đồng, còn lại vốn Nhà nước. Sau hơn 3 năm vận hành, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất đai và huy động tối đa các nguồn lực, thực hiện xã hội hóa để đầu tư xây dựng công trình; tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đô thị cho thành phố Sơn La hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II.

Trụ sở HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ngành, đoàn thể tỉnh

Thông tin về dự án dự kiến đầu tư theo phương thức PPP trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh, bà Trần Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư, thông tin: Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có Tờ trình số 136/TTr-UBND ngày 2/8/2022 gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án, với quy mô công suất 1 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050, công suất 2 triệu hành khách/năm.

Tỉnh Sơn La khuyến khích đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án hạ tầng giao thông.

Mặc dù lợi ích của dự án đầu tư theo phương thức PPP đã thấy rõ. Tuy nhiên, kết quả triển khai, thu hút đầu tư theo phương thức PPP vẫn còn khiêm tốn. Lĩnh vực tỉnh Sơn La khuyến khích đầu tư theo phương thức này là giao thông, nhưng do địa hình miền núi nên việc đầu tư các tuyến đường bộ sẽ gồm nhiều công trình phức tạp dẫn đến tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư cao, trong khi khả năng cân đối các nguồn vốn tham gia của ngân sách Nhà nước trong các dự án còn hạn hẹp.

Đối với dự án Cảng hàng không Nà Sản là dự án sân bay đầu tiên tỉnh Sơn La thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án có nhiều nội dung khó khăn, vướng mắc cần được các bộ, ngành Trung ương liên quan hướng dẫn, tháo gỡ, như bàn giao đất quốc phòng, sắp xếp, xử lý tài sản công sân bay Nà Sản, lập phương án sắp xếp, chuyển giao tài sản công và tài sản của ACV tham gia thực hiện Dự án...

Giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư theo phương thức PPP, tỉnh Sơn La tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật, nghị định hướng dẫn thực hiện dự án PPP. Theo đó, cần quy định điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án đối với các dự án có suất đầu tư cao, khó thu hút nhà đầu tư... Từ đó, thu hút các nhà đầu tư tư nhân thực hiện các dự án theo phương thức đầu tư PPP, góp phần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới