Thị trường carbon và trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu

Tín chỉ carbon được tạo ra với ý tưởng tạo động lực tài chính để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Các cá nhân, công ty và chính phủ có thể mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải nhà kính hoặc bán để thu lợi ích tài chính. Tín chỉ carbon lần đầu tiên được nêu trong Nghị định thư Kyoto vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 2005.

Sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TUỆ NGHI)
Sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại nhà máy của Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh, tỉnh Hải Dương. (Ảnh TUỆ NGHI)

Kể từ đó, thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đã phát triển nhanh chóng và đạt ba tỷ USD vào năm 2020. Đáng chú ý, một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico... đang dần triển khai các hoạt động phát triển thị trường carbon nhằm hạn chế tác động của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải đến môi trường.

Tại Việt Nam, thời gian qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật nhằm giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng thị trường trao đổi tín chỉ carbon. Từ năm 2012, đề án quản lý phát thải khí nhà kính và kinh doanh tín chỉ carbon được ban hành. Quy định về thị trường carbon chính thức được luật hóa tại điểm đ khoản 1 Điều 41 Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 tiếp tục khẳng định một trong những nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước (Điều 139). Trong khi đó, theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, đưa ra lộ trình phát triển thị trường carbon gồm giai đoạn chuẩn bị thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028.

Thị trường này sẽ bao gồm hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon từ cơ chế trao đổi, bù trừ. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm tra và sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải để mua bán trên thị trường.

Chia sẻ về sự chuẩn bị của Việt Nam trong xây dựng thị trường carbon, Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Tuấn Quang cho biết, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi tín chỉ carbon từ Việt Nam trên thị trường carbon tự nguyện thế giới từ giữa những năm 2000, thông qua các cơ chế: Phát triển sạch (CDM); Tiêu chuẩn vàng (GS); Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) từ năm 2008; Tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM) từ năm 2013... Đáng chú ý, Việt Nam đã có 150 dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và đã có trao đổi trên thị trường thế giới. Trong khi đó, giai đoạn 2015-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Xây dựng..., với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới đã triển khai dự án chuẩn bị sẵn sàng tham gia thị trường carbon Việt Nam. Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực xây dựng, hình thành công cụ thị trường và xây dựng lộ trình tham gia thị trường carbon trong nước và thế giới...

Mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển thị trường carbon, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc chưa có tiêu chuẩn tín chỉ carbon riêng, khiến doanh nghiệp phải dựa vào các cơ chế quốc tế mà không có hướng dẫn cụ thể cho thị trường nội địa. Mặc dù, đã có một số quy định ban đầu, các quy định chi tiết về giao dịch, định giá tín chỉ carbon và xử lý vi phạm vẫn cần được cụ thể hóa; hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định tại Việt Nam còn chưa đạt chuẩn quốc tế, gây khó khăn trong việc theo dõi và xác minh lượng phát thải.

Trong khi đó, việc thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhân lực phù hợp và chính sách vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo thẩm định là một rào cản lớn đối với triển khai hiệu quả thị trường carbon. Ngoài ra, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực am hiểu về phát triển dự án carbon và thẩm định tín chỉ còn thiếu; các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon quốc tế thường được thực hiện qua các thỏa thuận giữa các đối tác mà không qua sàn giao dịch, gây khó khăn trong việc quản lý theo dõi thông tin; việc phát triển và đầu tư vào các dự án giảm phát thải đòi hỏi chi phí lớn, trong khi sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước và quốc tế còn hạn chế...

Việt Nam cần nhanh chóng ban hành các quy định pháp lý liên quan thị trường carbon nội địa, bao gồm việc xác định rõ phạm vi và quy mô của tín chỉ carbon; khung pháp lý về giao dịch tín chỉ và hạn ngạch phát thải khí nhà kính; đồng thời cần phải phát triển thị trường carbon nội địa tương thích với thị trường carbon thế giới để có thể thực hiện giao dịch ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động mua bán tín chỉ với cơ chế tài chính rõ ràng để bảo đảm tính thanh khoản và minh bạch của thị trường; cần hoàn thiện hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định.

Mặt khác, tăng cường cơ chế kiểm tra và giám sát để bảo đảm tính minh bạch và công bằng của thị trường, nhất là giám sát chặt chẽ các giao dịch tín chỉ carbon sẽ giúp bảo đảm tính minh bạch của thị trường, ngăn chặn các hành vi đầu cơ hoặc thao túng giá cả...

Mới đây, tại cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo đề án "Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, các nhiệm vụ, giải pháp trong đề án cần giao cho từng bộ, ngành, cơ quan gắn liền tiến độ thực hiện, sản phẩm cụ thể, như văn bản quy phạm pháp luật, bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... Quá trình triển khai đề án bảo đảm hội nhập, hài hòa về trình tự thủ tục, năng lực chuyên môn, đồng bộ với thông lệ quốc tế, như: Hệ thống pháp luật; tổ chức tư vấn, thẩm định, đo đạc, đánh giá hạn ngạch, tín chỉ carbon tham vấn nước ngoài; các chủ thể tham gia thị trường carbon và các điều kiện cần thiết khác để thị trường carbon trong nước có thể kết nối với khu vực, thế giới trong tương lai.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới