Sau gần 4 năm triển khai, thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có 3.340 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, tổng vốn điều lệ gần 52 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 110.000 lao động với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/người/tháng; mỗi năm đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Phát triển cả về quy mô, số lượng
Cụ thể hóa các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 và Quyết định số 1530/QĐ-UBND ngày 28/7/2022 về triển khai Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, với 10 nội dung hỗ trợ. Trong đó, có các hỗ trợ: về thông tin, tư vấn; doanh nghiệp khởi nghiệp ra nhập thị trường; tiếp cận tín dụng; thuế, kế toán; chuyển đổi số; doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh...
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Trung bình mỗi năm thành lập mới khoảng 300 đến 350 doanh nghiệp trở lên; đào tạo khoảng 10.000 người lao động cho các doanh nghiệp; hỗ trợ 100% miễn phí phần mềm kế toán và kế toán thuế cho các doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp khởi nghiệp; 100% doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện việc làm hồ sơ, thủ tục nộp thuế điện tử; 100% DNNVV được hỗ trợ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số... Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022- 2025 khoảng 90,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn ODA viện trợ không hoàn lại.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Là đơn vị đầu mối triển khai Đề án, Sở đã lập và công khai số điện thoại đường dây nóng để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thành các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng, hướng dẫn người dùng trực tiếp sử dụng hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia qua ứng dụng zalo, messenger, ultra view, team viewer... Ký hợp đồng với Bưu điện tỉnh để trả kết quả đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính công ích cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thông qua Đề án, nhiều DNNVV còn được hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm 20% thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong khu công nghiệp. Từ năm 2019 đến năm 2022, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho trên 29.600 người, đã kết nối thành công 185 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ đi lao động ngoài tỉnh trên 91.000 người. Hỗ trợ 2.200 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai nộp thuế theo phương thức điện tử. Hỗ trợ 515 lượt doanh nghiệp, HTX tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ thương mại, du lịch, hội nghị kết nối trên cả nước và quốc tế; nhiều DNNVV được hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, hỗ trợ các thủ tục về tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, đo lường chất lượng, thử nghiệm hoàn thiện sản phẩm... Tạo điều kiện cho 548 DNNVV vốn vay, với tổng dư nợ DNNVV gần 10.700 tỷ đồng, chiếm trên 63% dư nợ cho vay doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Giao 26, huyện Yên Châu, chia sẻ: Doanh nghiệp thành lập năm 2020, chuyên hoạt động lĩnh vực chế biến rau, củ, quả, dược liệu, với quy mô 10 tấn tỏi đen/năm, 10 tấn xoài sấy/vụ, 10 tấn hoa đu đủ/năm. Đơn vị đã được tư vấn, hỗ trợ về thủ tục thành lập doanh nghiệp, kê khai nộp thuế điện tử, vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm hoa đu đủ sấy của công ty đã đạt OCOP 3 sao và sản phẩm tỏi đen đang hoàn thiện hồ sơ đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Doanh thu từ 5-6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5-10 người địa phương, với thu nhập trung bình 5-8 triệu đồng/tháng.
Hỗ trợ chuyển đổi số
Bắt nhịp xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn cho 103 lượt DNNVV; phát triển nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, đã hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử, với trên 33.700 hộ nông dân được đào tạo kỹ năng số; trên 35.270 hộ được tạo tài khoản trên sàn TMĐT; 789 sản phẩm của Sơn La được đưa lên sàn TMĐT; số giao dịch trên sàn đạt 23.300 đơn hàng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chủ động, tích cực phối hợp triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng thanh toán điện tử phục vụ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào các lĩnh vực chi trả lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, thanh toán tiền điện, học phí, viện phí, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngân hàng. Trong 2 năm, tổng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đạt gần 11,6 triệu giao dịch, với tổng giá trị gần 168 nghìn tỷ đồng.
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, đánh giá: Việc hỗ trợ chuyển đổi số cho DNNVV trên địa bàn tỉnh Sơn La mới chỉ tập trung vào khâu nộp và báo cáo thuế điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các sàn TMĐT; tổ chức hội thảo khóa đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kết nối các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày 12/12/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2591/QĐ-UBND về hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, phấn đấu đến năm 2025, có 100 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp; tối thiểu 50 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp.
Thêm lực hỗ trợ DNNVV
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản trị, điều hành kinh doanh còn yếu, năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn rất thấp. Việc hỗ trợ thực hiện chính sách, pháp luật, TTHC, giải quyết kiến nghị, đề nghị cho doanh nghiệp ở một số lĩnh vực còn kéo dài; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc liên doanh, liên kết chưa chặt chẽ...
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, khẳng định: Việc triển khai đề án hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết đã giúp các sở, ngành, chức năng, các địa phương và Hiệp hội định hướng được đầu việc cần phải thực hiện hỗ trợ DNNVV hiệu quả theo lộ trình. Đồng hành cùng doanh nghiệp, Hiệp hội tiếp tục huy vai trò cầu nối, giúp chính quyền tỉnh kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và nhu cầu của doanh nghiệp và đề xuất trong xây dựng cơ chế chính sách.
Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, tỉnh Sơn La được giao 1,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ DNNVV, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát, cân đối, tổng hợp nhu cầu của các đơn vị, trình UBND tỉnh giao kế hoạch vốn để triển khai hỗ trợ DNNVV đảm bảo đúng đối tượng, mục tiêu, nhiệm vụ được giao theo các quy định của Chính phủ, phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, sẽ tiếp thêm sức và lực để hỗ trợ DNNVV đổi mới, sáng tạo, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp tục phát huy vai trò là động lực, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!