Tháo “nút thắt” để mở “van” tín dụng

Tính đến hết tháng 5/2023, tín dụng trong nền kinh tế đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Để “kích cầu” tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại đang phải gấp rút triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp.

Giao dịch khách hàng tại chi nhánh ngân hàng ABBank.
Giao dịch khách hàng tại chi nhánh ngân hàng ABBank.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà: Trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 từ 14-15%, tín dụng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Trong năm tháng đầu năm, tín dụng tăng thấp, thể hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Ngoài giải pháp ngành ngân hàng, giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng.

Đồng loạt giảm lãi suất cơ sở

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 5, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước (chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng) tăng trưởng mới được khoảng 35% so với mức Ngân hàng Nhà nước giao. Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần (chiếm khoảng 47% thị phần tín dụng) tăng trưởng khoảng 50% mức được giao. Như vậy cả 2 nhóm này chiếm thị phần tín dụng chính, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.

“Nhìn lại năm 2022, thời điểm này năm ngoái tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14-15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với năm ngoái” - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhận định.

Đồng thời, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng chỉ ra ba nguyên nhân chính khiến tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.

Từ thực trạng, nguyên nhân nêu trên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, cơ quan này đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ, ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tích cực cho vay đối với các khách hàng đủ điều kiện.

Bản thân các ngân hàng thương mại từ đầu năm đến nay đã liên tục giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cơ sở (kéo theo lãi suất cho vay sẽ trực tiếp giảm sau kỳ điều chỉnh). Đơn cử, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở, với mức lãi suất cơ sở tham chiếu cho khách hàng cá nhân đối với các khoản vay bất động sản, ô-tô, tiêu dùng thế chấp từ kỳ hạn 1 năm đến 5 năm là 8,8%/năm.

Đối với các dự án, lãi suất cơ sở được áp dụng tại ngân hàng này từ 8,65-9,25%/năm (kỳ hạn từ 1 năm đến 5 năm). Lãi suất tham chiếu là 9%/năm. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) giảm mức lãi suất cơ sở thêm 0,2-0,5 điểm phần trăm áp dụng cho tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất; hiện lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng từ 9,75-10,95%/năm.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cũng điều chỉnh giảm. Hiện lãi suất cơ sở niêm yết cho khoản vay thế chấp ngắn hạn của MSB là 10,1%/năm và lãi suất cơ sở cho khoản vay thế chấp trung-dài hạn là 11,1%/năm. Còn ABBank quy định lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân là 11,2%/năm…

“Tung” nhiều gói tín dụng ưu đãi

 

Bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại còn triển khai nhiều gói giải pháp nhằm mang đến các giải pháp tài chính linh hoạt cho khách hàng. Theo Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), ngân hàng này đã cho ra mắt sản phẩm “Cho vay siêu nhanh sản xuất, kinh doanh trong 24h” từ ngày 25/5, hạn mức 5.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp và 3.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân, với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo nâng quy mô gói ưu đãi lãi suất cho vay từ 20.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, với mức giảm tối đa 3%/năm so với biểu lãi suất thông thường.

Theo Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát, ngay sau khi được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023, ACB đã chủ động sắp xếp các nguồn vốn để triển khai các gói cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện các kế hoạch sản xuất-kinh doanh. Với việc mở rộng quy mô gói ưu đãi tín dụng, ACB mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn áp lực tài chính cho khách hàng trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai gói ưu đãi lãi suất cho vay cố định dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), quy mô 2.000 tỷ đồng. Theo đó, khi doanh nghiệp vay ngắn hạn dưới 6 tháng, lãi suất cố định là 8,15%/năm cho toàn bộ thời gian vay; vay ngắn hạn từ 6-12 tháng, lãi suất cố định 8,65%/năm trong 6 tháng đầu; vay trung và dài hạn, lãi suất cố định 11,15%/năm trong 6 tháng đầu.

Riêng nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu, OCB dành 500 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7,99%/năm; trường hợp vay USD, lãi suất giảm đến 2,7%/năm so với mức thông thường…

Có thể nói, đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm “kích cầu” tín dụng. “Rõ ràng, hệ thống ngân hàng huy động vốn để cho vay, cho nên những khách hàng đủ điều kiện chắc chắn sẽ tiếp cận được vốn tín dụng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm chia sẻ, các ngân hàng vẫn đang nhận tiền gửi của dân hằng ngày, vẫn phải trả lãi cho dân, nên không thể có chuyện ngân hàng thắt chặt tín dụng không muốn cho vay ra. Trái lại, các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm trong thời gian qua.

“Thực tế, BIDV nhận thấy sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua có xu hướng giảm, đặc biệt đối với doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đơn hàng giảm cho nên nhu cầu vay vốn cũng giảm so với giai đoạn trước. Với các khách hàng cá nhân, sản xuất, kinh doanh, vay tiêu dùng, vay nhà ở, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản, các giao dịch và nhu cầu vay vốn mua nhà ở trong giai đoạn qua đều giảm. Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng cũng giảm so với cùng kỳ năm trước”, Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho hay.

Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Thanh Tùng nhận định: Từ cuối tháng 2, nhiều ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất và tung ra các gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng để “kích cầu”. Thế nhưng, theo số liệu thống kê, số lượng các doanh nghiệp giải thể, phá sản đang nhiều hơn đáng kể so với doanh nghiệp thành lập mới. Điều này minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.

Vì vậy, ngoài giải pháp của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng giải pháp tăng sức cầu của nền kinh tế rất quan trọng. Các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, xúc tiến, tìm kiếm, phát triển, tháo gỡ khó khăn về thị trường tiêu thụ, thị trường bất động sản, qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như nâng cao năng lực tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới