Bài 3: Đẩy mạnh chuyển đổi số và đào tạo nhân lực
Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 300/QÐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của sản xuất nông nghiệp với các nhiệm vụ như: Ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc đối với lương thực thực phẩm; gắn sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát thải thấp trong liên kết chuỗi giá trị; nâng cao nhận thức, năng lực cho người sản xuất, doanh nghiệp…
Chuyển đổi số là lực đẩy quan trọng
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Toản cho rằng: Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp các sản phẩm nông, lâm, thủy sản truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Với tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao như hiện nay sẽ là một thuận lợi cho quá trình ứng dụng số hóa vào sản xuất.
Mô hình chuyển đổi số trong quản lý và truy xuất dấu chân carbon sản xuất thanh long phát thải thấp, thân thiện môi trường tại Bình Thuận do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện là một thí dụ điển hình. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận, mô hình theo dõi phát thải carbon trong sản xuất, chế biến của bốn hợp tác xã/doanh nghiệp; thực hiện minh bạch trong sản xuất xanh qua nhật ký sản xuất; truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua tem, nhãn…
Từ đó, theo dõi được xuất xứ và “dấu chân carbon” của mỗi trái thanh long. Với hệ thống phần mềm trên máy tính (https://thanhlongxanhbinhthuan.vn), người dùng có thể tra cứu được sản lượng theo thời gian và lượng phát thải carbon; Trung tâm khuyến nông tỉnh quản lý được toàn bộ nhật ký sản xuất của tất cả các tài khoản tham gia; Giám đốc hợp tác xã có thể theo dõi, quản lý, phê duyệt hoặc can thiệp các thông tin của thành viên hợp tác xã mình. Hiện số lượng thành viên được cấp tài khoản là 93. Riêng phần mềm (app) trên thiết bị di động “chuỗi thanh long xanh” còn được bổ sung nâng cấp một số chức năng tiện ích như tạo lô nhằm cập nhật liên tục diện tích sản xuất lúc chưa khai thác.
Một trong những công cụ hữu ích trong quá trình xây dựng và phát triển nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững chính là quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Chính vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực này cũng đang được tập trung quan tâm đầu tư. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng hệ sinh thái sẵn sàng xuất khẩu.
Trong đó có website trang thông tin tổng hợp về quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu (https://sansangxuatkhau.ppd.gov.vn); cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm cơ sở dữ liệu trung tâm, phần mềm quản lý vùng trồng, phần mềm quản lý cơ sở đóng gói; nền tảng E-training platform đào tạo trực tuyến về sẵn sàng xuất khẩu, cung cấp thông tin và cấp chứng chỉ đào tạo về xuất khẩu nông sản.
Với phần mềm quản lý vùng trồng (Farm-diary), từ cuối năm 2022, Cục đã thử nghiệm đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng và chuối nhưng có rất ít vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện, thì đến đầu năm 2023, các vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đều đã có tài khoản và mật khẩu sử dụng. Ðến tháng 8/2023, có 23/54 tỉnh đã thực hiện như Bến Tre, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Ðắk Lắk, Ðắk Nông, Ðồng Tháp, Long An, Lâm Ðồng, Sóc Trăng, Tây Ninh, Vĩnh Long, Hòa Bình, Hậu Giang...
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương
Lợi ích có thể thấy rõ là phần mềm sử dụng miễn phí, thay thế việc ghi chép bằng tay; có thể xuất file dữ liệu khi cần thiết; tự hạch toán kinh tế; quản lý tốt vật tư; giúp đại diện vùng trồng chủ động đăng ký giám sát đúng theo quy định để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu; thực hiện truy xuất nguồn gốc (QR code) nhanh chóng, chủ động. Còn đối với phần mềm quản lý cơ sở đóng gói, sẽ giúp cơ sở đóng gói nắm nhanh các yêu cầu giám sát, thay đổi thông tin từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, qua đó thực hiện giám sát và đàm phán với nước nhập khẩu.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn lao động nông, lâm, thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011-2020, lao động nông, lâm, thủy sản vùng Ðông Nam Bộ giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 xuống còn 778.000 người năm 2020. Tại đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người. Không chỉ số lượng, chất lượng lao động nông, lâm, thủy sản cũng còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm, thủy sản vùng Ðông Nam Bộ là 7,4% và vùng đồng bằng sông Cửu Long là 2,21%.
Chính vì vậy, hiện nay tất cả các khâu của chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ đều gặp trở ngại lớn là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhấn mạnh: “Nông dân là người bỏ cây giống đầu tiên xuống ruộng, người đầu tiên bỏ tôm cá xuống ao. Có thể nói, nông dân là người đầu tiên của chuỗi ngành hàng nên muốn kiến tạo nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có những nông dân chuyên nghiệp”.
Hạn chế về nguồn nhân lực càng bộc lộ rõ ở hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản với các yêu cầu cao của đối tác nhập khẩu. Câu chuyện Việt Nam loay hoay gỡ “thẻ vàng” hải sản khai thác của EC cũng có một phần lớn nguyên nhân xuất phát từ nguồn nhân lực, trực tiếp là các ngư dân tham gia khai thác trên biển.
Trong lĩnh vực trồng trọt, ngay từ những việc tưởng chừng quen thuộc như dùng thuốc bảo vệ thực vật, nếu không có nhận thức đúng thì người sản xuất vẫn rất dễ “mắc lỗi”. Như vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng là do một bộ phận người sản xuất chưa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, bao gồm: Ðúng thuốc, đúng lúc, đúng thời điểm, đúng liều lượng và nồng độ.
Hay trong việc thực hiện duy trì mã số vùng trồng, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Ðạt cho rằng, công tác này còn nhiều khó khăn là do người sản xuất chưa thực hiện đúng các yêu cầu, như: Còn trồng xen, chưa áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; chưa quản lý tốt sinh vật gây hại; hồ sơ, sổ sách ghi chép không đầy đủ, cập nhật; vệ sinh vườn trồng chưa tốt, nhiều tàn dư thực vật; chưa sử dụng phần mềm quản lý vùng trồng, gây khó khăn truy xuất; chưa nắm vững quy định của nước nhập khẩu...
Ðể giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả phục vụ xuất khẩu và Nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói”.
Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã xây dựng phần mềm đào tạo trực tuyến (E-training platform) bao gồm ngân hàng video hướng dẫn trên các loại cây trồng, sản phẩm nông sản phục vụ nhằm đào tạo cán bộ kỹ thuật cho từng vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định tại nghị định thư hoặc Work Plan đã ký giữa Việt Nam và nước nhập khẩu.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII; ngày 8/5/2023, Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Nghị quyết số 37-NQ/BCSÐ về “Ðổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt hơn 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!