Sông Mã nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Phát huy lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, huyện biên giới Sông Mã đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo sự đổi thay cho vùng đất biên cương.

Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, huyện Sông Mã đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng triển khai 16 mô hình nông nghiệp. Nổi bật là các mô hình: Trồng nho Hạ Đen; hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện; phát triển chăn nuôi gà thả vườn liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm; trồng và chăm sóc cây ăn quả (xoài) liên kết theo chuỗi giá trị phát triển; hỗ trợ trồng mới mở rộng liên kết chuỗi giá trị cây ăn quả; phát triển vùng nguyên liệu dứa Queen; phục tráng lúa nếp tan lương; trồng xoài tại huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào... Qua thời gian thực hiện, các mô hình này được đánh giá là đạt hiệu quả cao, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Có mặt tại vườn nho Hạ Đen, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, đúng dịp thu hoạch. Do chăm sóc tốt nên năm nay nho cho quả đẹp và ngon hơn, năng suất cao hơn. Mô hình này được huyện đầu tư 200 triệu đồng cho Công ty TNHH nông lâm nghiệp Sông Mã thực hiện. Thời gian triển khai thực hiện từ tháng 3/2020, mô hình kết thúc và bàn giao vào tháng 7/2021.

Mô hình trồng nho Hạ Đen ở bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, cho thu nhập cao.

Ông Trần Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty, cho biết: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sông Mã phù hợp với giống nho Hạ Đen, tháng 5/2020, Công ty đã đầu tư 200 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới rộng 5.000 m² để đưa cây giống về trồng. Toàn bộ cây giống ban đầu được huyện hỗ trợ mua từ Công ty cổ phần Duy Khánh. Đây là vườn nho Hạ Đen đầu tiên được trồng thành công ở huyện Sông Mã và cũng là sản phẩm OCOP của huyện trong năm 2023. Đến nay, Công ty đã mở rộng lên 1ha, cây nho đang độ sinh trưởng phát triển tốt, diện tích cho thu hoạch trên 50%; năm nay, sản lượng quả đạt khoảng 5 tấn, giá bán giao động từ 120.000 - 160.000 đồng/kg.

Mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đẻ trứng áp dụng công nghệ cao, thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện, với tổng vốn giao thực hiện trên 300 triệu đồng, do gia đình bà Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương, thực hiện từ tháng 12/2020 và bàn giao vào tháng 12/2024. Mô hình có quy mô 4.400 con gà mái hậu bị, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1.425 con, còn lại là gia đình đối ứng. Bước đầu, mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định.

Mô hình gà đẻ trứng của gia đình bà Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, xã Chiềng Khương.

Bà Yến thông tin: Thực hiện mô hình, gia đình tôi đã đầu tư 1,1 tỷ đồng làm chuồng trại, giá nuôi, hệ thống quạt thông hơi nước làm mát... Ngoài ra, gia đình còn đầu tư gần 2,8 tỉ đồng mua con giống, thức ăn, nhân công lao động... Đàn gà nuôi được khoảng 30 ngày thì bắt đầu đẻ trứng, bình quân 3.500 quả trên ngày, đạt 80% gà đẻ trứng; giá bán bình quân 2.100 đồng/quả,  tiêu thụ chủ yếu ở thị trường huyện Sông Mã và Sốp Cộp. Mỗi năm, trừ chi phí, mô hình cho thu lãi gần 400 triệu đồng.

Một trong những giải pháp được huyện Sông Mã ưu tiên hàng đầu là chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để thực hiện các mô hình. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp tới nhân dân trong huyện.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông tin: Trong năm 2023, Trung tâm đã triển khai 14 lớp tập huấn, thu hút 430 người tham gia, với các nội dung về: Cơ chế chính sách, kỹ thuật trồng rau chân vịt; hướng dẫn thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật; quy trình phục tráng, kỹ thuật canh tác và nhận biết, phòng trừ sinh vật hại trên giống lúa tan lương; kỹ thuật chăn nuôi và chăm sóc cây ăn quả...

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 208 cuộc tuyên truyền cho gần 8.000 người tại các bản, với các nội dung: Hướng dẫn trồng và chăm sóc dứa Queen; phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng; phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi... Tổ chức 2 hội thảo tại xã Yên Hưng, xã Nậm Mằn, với 90 lượt người tham gia, về đánh giá hiệu quả của mô hình trồng rau chân vịt; nhân rộng mô hình canh tác lúa tan lương.

Nhân dân bản Kéo, xã Huổi Một, chăm sóc nhãn chín muộn.

Năm 2023, Trung tâm phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lúa mới tẻ thơm N91, nếp thơm NV1, NV3 với quy mô 3.000 m2, tại các xã Chiềng Cang, Huổi Một. Đến nay, lúa đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 60 tạ/ha trở lên. Phối hợp với Viện Nông hóa thổ nhưỡng thực hiện mô hình cải tạo đất trồng cây nhãn tại bản Liên Phương, xã Chiềng Khoong. Phối hợp với Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc thực hiện mô hình thử nghiệm phân bón hữu cơ trên cây lúa tại bản Chiềng Cang, xã Chiềng Cang. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình thâm canh dứa theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 3 ha, tại bản Huổi Mo, xã Chiềng Khương...

Các mô hình nông nghiệp của huyện được triển khai bảo đảm phù hợp với từng vùng, điều kiện sản xuất và trình độ canh tác của nhân dân, tăng thu nhập và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm; tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần hình thành các mô hình kinh tế mới, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

 

 

 

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới