Hình thành vùng chuyên canh cà phê đặc sản, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu, tỉnh Sơn La vận động, khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mở rộng vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.700 ha cây cà phê, sản lượng bình quân hằng năm trên 32.400 tấn cà phê nhân, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn, Thành phố, Thuận Châu. Diện tích cà phê của tỉnh Sơn La chỉ chiếm 2,8% diện tích của cả nước, nhưng diện tích cà phê chè (Arabica) của tỉnh lại chiếm 50,34% diện tích cả nước, giá bán khoảng 10.000 đồng/kg quả tươi, giá trị đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.
Mai Sơn là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích 8.786 ha; trong đó, 99% là cà phê Arabica. Để duy trì, giữ vững thương hiệu “Cà phê Sơn La”, năm 2022, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La và Công ty TNHH Tuấn Út Sơn La xây dựng thành công 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong, với tổng diện tích trên 1.000 ha của 1.560 hộ.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Việc công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương. Huyện Mai Sơn đang hướng dẫn các hộ trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng cà phê thành đặc sản của địa phương.
Bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, có 110 hộ ký liên kết với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thực hiện chăm sóc 67 ha cà phê đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Hoàng Văn Thoan, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Củ, chia sẻ: Tham gia liên kết, các hộ được Công ty hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tạo ra vùng chuyên canh cà phê đặc sản, chất lượng cao. Riêng gia đình tôi tham gia 1 ha cà phê trồng từ năm 2008, niên vụ năm nay, thu hoạch khoảng 10-12 tấn quả tươi, giá bán 10.000 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng.
Niên vụ 2023-2024, Công ty cổ phần Phúc Sinh dự kiến thu mua từ 15.000-18.000 tấn cà phê quả tươi, khoảng 4.000 tấn cà phê nhân phục vụ nhà máy chế biến. Về sản xuất, Công ty đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRCGS v9).
Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông tin: Đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, Công ty liên kết 1.600 hộ, với tổng diện tích 2.000 ha trồng theo chương trình chứng nhận Rainforest Alliance (tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững); 690 hộ xây dựng 30 vườn mẫu chất lượng cao. Bên cạnh đó, Công ty đẩy nhanh tiến độ lắp ráp dây chuyền chế biến trà Cascara từ vỏ quả cà phê, công suất 10 tấn quả/ngày.
Ngoài ra, huyện Mai Sơn còn phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến ký liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê tại các xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Nà Ớt; liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp bản Co Sâu, xã Chiềng Mai, với 470 hộ, diện tích 543 ha. Năm 2023, Công ty đã triển khai hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cây giống, phân bón và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 60 ha cà phê các bản Co Sâu, xã Chiềng Mai, Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban, Ớt Chả, xã Nà Ớt.
Sản xuất cà phê đặc sản
Tại thành phố Sơn La, cùng với thực hiện tái canh diện tích cà phê già cỗi bằng giống cà phê mới, tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã mở lớp tập huấn chế biến cà phê nhân xanh đặc sản cho HTX Cà phê Bích Thao, xã Hua La và HTX Nông nghiệp Chiềng Xét, xã Chiềng Đen.
Anh Hoàng Văn Thanh, chuyên gia Trung tâm đào tạo Mountain Pearl Coffee Lab Việt Nam, chia sẻ: Cà phê đặc sản là sản phẩm từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt. Khi thử nếm có hương vị riêng và đạt tiêu chuẩn quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới và Viện Chất lượng cà phê thế giới.
Trong thời gian tập huấn, các thành viên và các hộ gia đình liên kết sản xuất cà phê của 2 HTX được tập huấn quy trình chế biến nhân xanh, phương pháp truyền nhiệt, phân tích sự khác biệt giữa công nghệ máy rang trực tiếp; phương pháp xây dựng profile rang cà phê chuyên nghiệp; đánh giá tách cà phê ngon... Đây là hệ thống tiêu chuẩn đánh giá cà phê toàn cầu, từ tổ chức CQI và tổ chức SCA.
HTX Cà phê Bích Thao hiện có 500 ha cà phê đặc sản, sản xuất theo hướng hữu cơ, chủ yếu là giống THA1, trong đó có khoảng 150 ha đã cho thu hoạch. Hiện nay, HTX đang sản xuất nhiều sản phẩm cà phê đặc sản, như cà phê bột nguyên chất, cà phê rang say, trà vỏ cà phê CASCARA… Mỗi năm HTX thu mua, chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu từ 2.000 - 4.000 tấn cà phê nhân; doanh thu hằng năm đạt trên 60 tỷ đồng.
HTX có 2 sản phẩm “Cà phê bột nguyên chất” và “Trà vỏ cà phê” đạt sản phẩm OCOP. Năm 2020, sản phẩm cà phê bột nguyên chất của HTX được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia và Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam; trong đó, sản phẩm Honey đạt top 10.
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, cho biết: Việc tham gia tập huấn sẽ giúp các thành viên HTX bổ sung kiến thức về quy trình chế biến cà phê theo các tiêu chuẩn thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị, với giá từ 10.000-12.000 đồng/kg lên 15.000-20.000 đồng/kg quả cà phê tươi.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố phấn đấu đến năm 2025, duy trì và phát triển ổn định 3.000 ha cà phê, sản lượng từ 6.000-6.500 tấn cà phê nhân được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững phục vụ xuất khẩu; hằng năm xuất khẩu từ 9.000-11.000 tấn cà phê nhân...
Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt triển khai thực hiện tại 8 tỉnh, trong đó có tỉnh Sơn La. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; phát triển 15.000 ha vùng nguyên liệu cà phê bền vững; duy trì và phát triển 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La.
Hằng năm, xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước khu vực Nam Mỹ... Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 100 triệu USD; góp phần tạo việc làm, ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ gia đình trồng cà phê. Bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê.
Hiện thực mục tiêu đề ra, tỉnh Sơn La tiếp tục rà soát, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường bền vững.
Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho chương trình, dự án phát triển vùng nguyên liệu, chế biến cà phê. Tổ chức sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị; đẩy mạnh chế biến sâu; phát triển cà phê gắn với các sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng, nhân rộng vùng chuyên canh cà phê đặc sản, chất lượng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!