Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cam, bưởi, chanh, quýt thuộc nhóm 15 loại quả chủ lực với diện tích hơn 18.000 ha mỗi loại. Trong đó, riêng cây bưởi, cả nước có diện tích 110 nghìn héc-ta, sản lượng 1,14 triệu tấn.
Tăng lợi nhuận từ sản xuất VietGAP, hữu cơ
Theo thống kê, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 262 nghìn héc-ta cây có múi, chiếm 21,47% diện tích cây ăn quả, sản lượng hơn 3,67 triệu tấn. Ðại diện Cục Trồng trọt cho rằng, để phát triển bền vững và phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ở một số địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa quy mô lớn, tập trung, có liên kết nhằm tăng năng suất, chất lượng cũng như tăng lợi nhuận cho người dân. Trong đó, cây cam ở các tỉnh như: Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nghệ An, Hậu Giang, Vĩnh Long..., cây bưởi ở Hà Tĩnh, Ðồng Nai, Bến Tre... Bên cạnh đó, các địa phương và nhân dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất như: Tưới tiết kiệm, tưới nước kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp sử dụng hiệu quả phân bón, tăng lợi nhuận; sử dụng phân bón hữu cơ làm tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, ở nhiều nơi thực hiện trồng rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ và tăng lợi nhuận trong sản xuất cây có múi. Trong đó, tỉnh Tiền Giang trồng rải vụ cây có múi khoảng 1.235 ha với sản lượng 24.346 tấn. Sản xuất nghịch vụ cho lợi nhuận cao hơn chính vụ từ 27 đến 30 triệu đồng/ha đối với cây bưởi; cam từ 18 đến 20 triệu đồng/ha; chanh từ 5-9,5 triệu đồng/ha. Ðến nay, cả nước có 14 sản phẩm quả có múi được chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý gồm: Cam sành (Hà Giang), cam sành (Tuyên Quang), cam Cao Phong (Hòa Bình), cam Vinh (Nghệ An), cam Văn Chấn (Yên Bái), quýt Bắc Kạn, bưởi Ðoan Hùng (Phú Thọ), bưởi da xanh Bến Tre...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất như: Hỗ trợ phát triển vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Qua thống kê của 19 địa phương sản xuất lớn, diện tích cây có múi chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ (còn hiệu lực) khoảng 7.632 ha, trong đó chứng nhận hữu cơ khoảng 200 ha, chủ yếu ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tĩnh. Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hồng Yến cho biết: "Ðến nay, diện tích cây có múi của tỉnh có hơn 10.200 ha, sản lượng hơn 210 nghìn tấn/năm. Ðể hướng đến sản phẩm có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh đã vận động, khuyến khích nhân dân áp dụng khoa học-kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ðến tháng 6/2023, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ đạt 1.825,8 ha".
Phú Thọ có điều kiện khá thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả, nhất là cây bưởi; đồng thời tỉnh cũng xác định bưởi là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung chỉ đạo phát triển thành các vùng trồng tập trung, hàng hóa. Ðến hết năm 2022, diện tích cây có múi của tỉnh đạt 6.231 ha, riêng cây bưởi hơn 5.600 ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình sản xuất bưởi đạt tiêu chuẩn hữu cơ quy mô 3 ha tại xã Vân Ðồn, huyện Ðoan Hùng và xã Vân Phú, thành phố Việt Trì.
Mô hình áp dụng các biện pháp chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cân bằng hệ sinh thái, cây trồng sinh trưởng phát triển khỏe, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo thống kê, mô hình cho thu hoạch khoảng 32 tấn/năm, doanh thu trung bình đạt 460 triệu đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất cam đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 6 ha tại xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa cho năng suất 25 tấn/ha/năm, thu nhập đạt 750 triệu đồng/ha, lợi nhuận 450 triệu đồng/ha/năm.
Tỉnh Nghệ An có điều kiện tự nhiên đất đai, khí hậu phù hợp với sinh trưởng, phát triển cây ăn quả, nhất là vùng đất đỏ bazan ở các huyện miền núi phía tây. Hiện nay, thương hiệu "Cam Vinh" được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng và được coi là đặc sản của xứ Nghệ. Ðến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có hơn 3.500 ha trồng cam, bưởi. Niên vụ vừa qua, giá cam bình quân từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, thu nhập đạt từ 150 đến 250 triệu đồng/ha; cá biệt có diện tích cho năng suất từ 30-40 tấn/ha, có thời điểm giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, thu nhập từ 750 triệu-1 tỷ đồng/ha.
Mở rộng các vùng sản xuất tập trung
Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, hiện nay sản xuất cây có múi ở nước ta còn gặp những khó khăn do cơ cấu giống địa phương là chủ yếu, trong đó nhiều giống mẫu mã, chất lượng chưa cao; chi phí đầu tư cao làm giảm sức cạnh tranh, ảnh hưởng đến công nghiệp chế biến. Hơn nữa, tỷ lệ cây giống lưu hành trong sản xuất có nguồn gốc, chất lượng, sạch bệnh chưa cao; tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh gây hại, nhất là ở các vùng phát triển tự phát, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm; ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa được phổ biến rộng rãi; tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, bùng phát dịch hại và ảnh hưởng chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, năng suất cây có múi thấp và chưa ổn định; chuỗi giá trị còn nhiều khâu trung gian, chủ yếu là thương lái cho nên chưa hợp lý về phân chia lợi nhuận, nhất là người nông dân trực tiếp sản xuất. Ðặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều vùng trồng cây có múi có biểu hiện suy thoái, chủ yếu do bệnh vàng lá thối rễ. Ngoài ra có diện tích do già cỗi, vùng trồng không thích hợp, người trồng không đầu tư thâm canh. Qua thống kê ở 19 địa phương, diện tích cây có múi suy thoái hơn 16.500 ha.
Quyết định số 4085/QÐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Ðề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trong đó cây cam, bưởi ổn định diện tích từ 210 đến 220 nghìn héc-ta. Ðể bảo đảm sản xuất cây có múi bền vững, hiệu quả, Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng cây cam, bưởi, nhất là ở các vùng không phù hợp; tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh.
Ðối với diện tích trồng phân tán, vùng không phù hợp các cơ quan cần tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn; đồng thời, vận động nhân dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất giúp tăng tuổi thọ vườn cây, sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm; cải thiện năng suất, chất lượng, mẫu mã, giảm chi phí sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; khuyến khích nông dân dồn đổi ruộng đất xây dựng vùng sản xuất cây có múi tập trung; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, liên kết nông dân trong chuỗi giá trị cây có múi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, dán tem nhãn nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu cây có múi...
Cục Trồng trọt cho biết, giá trị xuất khẩu quả có múi liên tục tăng những năm gần đây; trong đó, năm 2015 là 16,5 triệu USD, tăng lên 72,9 triệu USD năm 2022, sản phẩm chủ yếu chanh và bưởi. Xuất khẩu quả có múi có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!