Quỳnh Nhai chủ động bảo vệ lồng cá mùa nước cạn

Bắt đầu từ tháng 5 đến nay, nước lòng hồ thủy điện Sơn La rút sâu. Với các hộ dân đang tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng ở Quỳnh Nhai, nước cạn gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc đàn cá nuôi. Do vậy, ngay từ đầu mùa khô, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình, hợp tác xã chủ động các phương án, giải pháp để di chuyển lồng cá, bảo vệ đàn cá khi nước cạn sâu.

Nước lòng hồ thủy điện Sơn La tại huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Thanh Đào

Trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đang duy trì 4.500 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện với sản lượng hằng năm đạt trên 1.800 tấn (trong đó, sản lượng cá nuôi đạt trên 1.200 tấn). Theo quy trình tích nước của thủy điện, thời điểm từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm, nước lòng hồ cạn dưới cốt ngập 218m, mực nước cạn có sự thay đổi tùy từng năm. Chính vì thế, việc nuôi cá lồng cũng phải luôn chủ động các phương án, giải pháp để thích ứng với sự thay đổi của mực nước lòng hồ.

Có mặt tại khu vực chân cầu Pá Uôn, nơi tập trung nhiều hộ nuôi cá lồng, mực nước đã cạn ở mức sâu. Những lồng cá được bà con dịch chuyển nhiều lần nay đã tiến gần đến giữa lòng hồ. Anh Nguyễn Văn Nguyên nuôi cá lồng tại đây, chia sẻ: Chưa năm nào nước lòng hồ cạn sâu như năm nay. Chúng tôi túc trực hàng ngày, quan sát màu nước, thấy có dấu hiệu nước đục thì phải di chuyển ngay đến vùng nước sâu hơn. Với 36 lồng cá chung của 4 gia đình, chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc, luôn sẵn sàng cho việc dịch chuyển lồng cá đến nơi an toà, tránh tình trạng cá chết do sặc bùn hoặc sốc nhiệt.

Lồng cá di chuyển gần đến giữa lòng hồ. Ảnh: Thanh Đào

Còn tại Chiềng Bằng, anh Lò Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản An Bình, nói: Từ đầu mùa khô đến nay, gần như mỗi tuần HTX phải di chuyển toàn bộ lồng cá một lần. Lồng cá di chuyển càng vào sâu thì càng gặp khó do sóng to, gió lớn, mưa xuống nước dễ đục ảnh hưởng đến đàn cá. Cộng với thời tiết nắng nóng, nước ấm lên dễ khiến cá bị sốc nhiệt. Chúng tôi phải trực ở đây thường xuyên để theo dõi lồng cá, hạ lưới lồng sâu hơn để giảm nhiệt cho đàn cá. Đến thời điểm này, đàn cá vẫn duy trì được số lượng và phát triển bình thường.

Các hộ nuôi cá lồng ở bản Pá Uôn, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Thanh Đào

Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, thời điểm này, mực nước lòng hồ trên địa bàn huyện đang ở cốt 176m. Đây cũng là năm đầu tiên nước lòng hồ cạn sâu nhất từ khi thủy điện Sơn La tích nước cho đến nay. Tuy nhiên, mực nước của lòng hồ tại địa phận huyện Quỳnh Nhai khá sâu nên vẫn có thể di chuyển được lồng cá đến các vùng nước an toàn.

Hiện tại, các hộ dân và HTX trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai vẫn đang duy trì tốt việc nuôi và chăm sóc cá lồng trong mùa nước cạn. Cho đến thời điểm này, huyện Quỳnh Nhai chưa ghi nhận báo cáo thiệt hại về cá lồng do nước rút sâu. Với những phương án mang tính chủ động, kết hợp cùng kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ nhiều năm, người dân nuôi cá lồng tại Quỳnh Nhai đã và đang thích ứng với điều kiện mực nước lòng hồ không thuận lợi để bảo vệ đàn cá. 

Biện pháp chăm sóc, bảo vệ cá lồng di dời lồng cá đến vùng nước có dòng chảy, tăng lượng thức ăn tinh, giàu dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho cá; hạ lưới sâu kết hợp che chắn bằng lưới đen để giảm nhiệt nước ở lồng cá. 
Thanh Đào - Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới