Mường La là địa phương có nhiều công trình thủy điện nhất tỉnh. Các công trình thủy điện sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động đã đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Trên địa bàn huyện Mường La ngoài sông Đà chảy qua, trên địa bàn có 5 con suối lớn là suối Nậm Mu, Nậm Chiến, Nậm Trai, Nậm Pàn, Nậm Pia nên có nhiều dự án thủy điện được triển khai. Hiện nay, ngoài 3 nhà máy thủy điện lớn là Thủy điện Sơn La (2.400 MW), Huội Quảng (520 MW), Nậm Chiến 1 (200 MW), huyện Mường La có 21 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất đã phát điện là 218,55 MW. Hằng năm, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 80 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của huyện.
Nhà máy thủy điện Nậm Chiến 2 là một trong những nhà máy thủy điện được xây dựng sớm của huyện, hoàn thành đưa vào vận hành năm 2009 với 2 tổ máy, công suất 32 MW. Nhà máy hiện có 24 cán bộ, công nhân chủ yếu là người địa phương quản lý và vận hành. Ông Bùi Huy Hào, Giám đốc nhà máy Nậm Chiến 2 cho biết: Hằng năm, Nhà máy xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo vệ đập, cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, chấp hành nghiêm quy định về đất đai, môi trường, tài nguyên nước, các quy định về lập, thẩm định dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình, đặc biệt là công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với huyện, xã, bản trong việc thông tin, phòng chống lũ bão, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Ông Lò Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã Chiềng San, cho biết: Xã hiện có 3 thủy điện đóng chân trên địa bàn, gồm: Pá Chiến, Nậm Chiến 2 và 3, những năm qua, các thủy điện luôn duy trì dòng chảy tối thiểu đảm bảo cấp đủ nước cho hơn 80ha đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân 3 bản Pá Chiến, bản Lâm và bản Chiến phục vụ thủy lợi canh tác nông nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp và nhà máy thủy điện đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện, giúp giải quyết nhu cầu việc làm của lao động địa phương với trung bình khoảng 10 lao động/1 thủy điện. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ các công trình thủy điện, mang lại thu nhập ổn định; các thủy điện cũng tham gia hỗ trợ an sinh xã hội, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khi xây dựng công trình cũng như việc đi lại của người dân trong khu vực.
Nhà máy thủy điện Pá Chiến, xã Chiềng San đi vào hoạt động từ năm 2013, với tổng công suất 22 MW, sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 70 triệu kWh. Ông Lê Hải Long, Giám đốc Nhà máy, cho biết: Cùng với thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, đơn vị tích cực hỗ trợ kiên cố hóa nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên bản, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, kênh mương nội đồng, ủng hộ kinh phí sửa chữa nhà văn hóa, lắp đặt điện chiếu sáng cho xã Chiềng San, tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Các công trình thủy điện sau khi được hoàn thành đã và đang mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho địa phương. Song, quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện cũng gây tác động không nhỏ đến đến môi trường, đất đai và hệ sinh thái rừng và đời sống của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Phát triển thủy điện bền vững gắn với phát triển kinh tế địa phương, trong thời gian tới, huyện Mường La sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chủ đầu tư thủy điện thực hiện trồng bù lại rừng khi chuyển đổi đất rừng xây dựng nhà máy thủy điện theo quy hoạch; khuyến khích các chủ rừng, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư trở lại cho công tác trồng rừng, phát triển rừng.
Hằng năm, UBND huyện đã ban hành kế hoạch quản lý các dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn. Chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp trong xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, làm tốt công tác phòng, chống lũ bão, đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu phục vụ nước sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Các nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện đã cơ bản chấp hành việc nộp tiền thuế, phí dịch vụ môi trường rừng theo sản lượng điện phát ra.
Huyện Mường La thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trong quá trình triển khai thi công và vận hành của các dự án thủy điện. Giám sát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án thủy điện đối với nhà nước; thực hiện các cam kết khi tham gia đầu tư xây dựng và vận hành của các nhà máy thủy điện; đặc biệt là giám sát việc duy trì dòng chảy tối thiểu của các nhà máy thủy điện đảm bảo cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Tuyên truyền nhân dân chủ động lấy nước sản xuất và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Bảo đảm mục tiêu phát triển thủy điện bền vững gắn với bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!