Phiêng Khoài - Mùa lê ngọt

Đến xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu mùa này, bà con tất bật thu hoạch những quả lê tròn, chín vàng chuyển đi tiêu thụ. Bén rễ trên đất Phiêng Khoài gần 10 năm nay, cây lê đang được đánh giá là cây trồng tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Thành viên HTX Kiên Cường, xã Phiêng Khoài thu hoạch lê Tai Nung.
Ảnh: Thanh Huyền

Năm 2014, gia đình bà Đinh Thị Mây, bản Cồn Huốt 1, trồng 1.000 gốc lê Tai Nung thay thế diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp. Bà Mây cho biết: Thấy giống lê Tai Nung dễ trồng, hợp với khí hậu của địa phương, nên tôi đưa vào trồng thử nghiệm. Đến giữa năm 2018, vườn lê đón đợt quả đầu, cây nào cũng sai trĩu, quả to tròn, mọng nước. Vụ đầu tiên cho thu trên 7 tạ quả, bán với giá 40.000 đồng/kg, thu gần 30 triệu đồng. Hợp đất, cây lê phát triển tốt, cho nhiều trái, đến nay gia đình đã có gần 6 ha lê. 

Theo bà Mây, để quả lê đạt chất lượng, năng suất cao, phải tuân thủ kỹ thuật chăm bón, tạo tán, tỉa quả. Lê là loại cây ưa đất ẩm, từ khi đậu quả đến lúc thu hoạch phải bổ sung đủ nước quả mới to, vỏ căng bóng, nhiều nước, ngọt. Khi quả được 3 tuần phải tiến hành bọc quả để quả lê không bị rám vỏ, sâu đục. Nhờ phương pháp này, quả lê có mẫu mã đẹp, trọng lượng đồng đều, vị ngọt đậm, giòn, quả khi bổ ra không bị thâm như các giống lê khác. Với 6 ha lê, mỗi năm gia đình bà Mây thu hơn 30 tấn quả, giá bán 50.000-80.000 đồng/kg tuỳ vào kích thước quả, bình quân thu về 900 triệu đồng/năm.

Diện tích lê được bọc quả để đảm bảo chất lượng.
Ảnh: Thanh Huyền

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, từ năm 2021, bà Đinh Thị Mây đã liên kết với các hộ dân trong vùng mở rộng diện tích lê và thành lập HTX Kiên Cường. Đến nay, HTX có 7 thành viên, trồng 15 ha lê Tai Nung. Các thành viên tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học để chăm bón; bao quả để có mẫu mã đẹp. Năm 2022, HTX thu 70 tấn quả, trừ chi phí thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Ngoài bán quả, HTX còn bán cành hom giống cho nhân dân trên địa bàn, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 1 vạn cây giống.  

Nông dân xã Phiêng Khoài vui mừng vì lê được mùa, được giá.
Ảnh: Thanh Huyền

Là một trong những thành viên tham gia HTX ngay từ những ngày đầu, anh Phan Đình Sơn, bản Thanh Yên 2, xã Phiêng Khoài, chia sẻ: Giống lê Tai Nung có ưu điểm là sinh trưởng nhanh, đến năm thứ 4 đã cho thu hoạch và có thể thu liên tiếp trong 12-15 năm. Là giống cây trồng mới, đòi hỏi một số biện pháp chăm sóc tương đối tỉ mỉ, nhất là thời điểm đậu quả. Đặc biệt, cần chú ý đến việc vịn cành để tạo tán, nếu không cây sẽ vươn lên rất cao, khó khăn trong việc chăm sóc và hái quả.

Được HTX phổ biến kỹ thuật bao quả, hướng dẫn kỹ thuật tỉa các quả kẹ, quả xấu và những chùm quả quá sai, nên vườn lê của gia đình anh Sơn phát triển tốt, tránh được các tác nhân gây hại cho quả như bọ chích, nứt quả do mưa… Năm nay, 2 ha lê của gia đình dự kiến cho thu 15 tấn quả; hiện tại, trên 80% sản lượng đã được thương lái đặt mua.

Quả lê được gom đưa đến điểm tập kết tiêu thụ.
Ảnh: Thanh Huyền

Hiệu quả kinh tế từ cây lê mang lại, nhiều bà con trong xã Phiêng Khoài đã đến HTX Kiên Cường tham quan học tập kinh nghiệm, cải tạo đất trống, vườn tạp để trồng lê. Đến nay, toàn xã trồng trên 60 ha lê, chủ yếu tập trung tại các bản Cồn Huốt 1, Thanh Yên 1, Thanh Yên 2, Quỳnh Chung, Kim Chung 3... Từ năm 2022, thương hiệu lê Tai Nung của Phiêng Khoài được nhiều người biết đến, sản phẩm được cấp tem truy xuất nguồn gốc nên việc tiêu thụ dễ dàng, chủ yếu được đưa vào các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn tỉnh và Hà Nội.

Quả lê Tai Nung của HTX Kiên Cường được dán tem truy xuất nguồn gốc. 
Ảnh: Thanh Huyền

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Nếu so sánh với các cây trồng khác thì cây lê Tai Nung đang là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Xã đang vận động bà con mở rộng diện tích trồng tại các bản có điều kiện phù hợp, thay thế các cây trồng kém hiệu quả; phối hợp với huyện hỗ trợ liên kết tiêu thụ, quảng bá thương hiệu để quả lê trở thành sản phẩm hàng hóa riêng, tiêu biểu của xã. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tập trung ứng dụng công nghệ cao trong trồng và chăm sóc để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới