Năm 2019, sau khi về đích nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là thu nhập cho nhân dân.
Bà Lò Thị Diêng, Chủ tịch UBND xã Phiêng Ban, cho biết: Xã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho nhân dân. Giao các tổ chức hội làm tốt công tác ủy thác với các ngân hàng, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích người dân chủ động đưa các loại giống cây, con mới vào sản xuất và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trang trại, gia trại có sự liên kết trong bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Từ năm 2020 đến nay, việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của xã có bước chuyển biến tích cực, nhân dân chủ động đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao, như nhãn, xoài, bưởi và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại gắn với trồng cỏ... Đến nay, đã trồng gần 350 ha cây ăn quả, thâm canh hơn 300 ha lúa, trồng gần 400 ha sắn; chăn nuôi trên 36.000 con gia súc, gia cầm. Trên địa bàn xã có 4 HTX dịch vụ nông nghiệp và nhiều hộ kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động hiệu quả. Năm 2022, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người.
Phấn đấu đạt bản nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023, Chi bộ, Ban quản lý bản Cao Đa 1 chú trọng nâng cao tiêu chí thu nhập, bằng cách vận động người dân chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Văn Đại, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Hiện nay, bản đang canh tác gần 40 ha lúa hai vụ với các giống lúa lai cho năng suất, chất lượng cao; trồng 75 ha ngô, sắn, gần 40 ha cây ăn quả và rau màu các loại. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 750 tấn/năm; nuôi trên 1.000 con gia súc và hơn 7.000 con gia cầm. Thu nhập bình quân của bản đạt hơn 160 triệu đồng/hộ/năm.
Ông Hoàng Văn Phòn, bản Cao Đa 1, cho biết: Với 5 ha đất đồi, gia đình tôi chia ra từng khu trồng các loại cây ăn quả, như vải, nhãn, xoài lai, bưởi Diễn; trồng sắn, trồng cỏ chăn nuôi gia súc, gia cầm; tận dụng nguồn nước, đào nuôi cá, đem lại thu nhập ổn định từ 180-200 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện, ngày một nâng cao.
Tại bản Cang Hợp, nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo hơn 156 ha đất bạc màu để đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh tăng vụ. Trong đó, gần 21 ha ruộng lúa hai vụ, 95 ha cây hoa màu các loại, 2 ha nương ngô, 39 ha cây ăn quả, gần 2 ha ao cá. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 220 tấn/năm. Cùng với đó, nhân dân trong bản còn trồng 16,5 ha cây xoan khai thác lấy gỗ; quản lý, bảo vệ tốt 216 ha rừng để hưởng lợi dịch vụ chi trả môi trường rừng. Duy trì và phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, với tổng đàn gia súc, gia cầm của bản đạt trên 2.430 con. Thu nhập của nhân dân từng bước được nâng lên.
Tiếp tục nâng cao thu nhập cho nhân dân, xã Phiêng Ban đang triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả cao, như mô hình trồng nhãn, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển nuôi bò nhốt chuồng và nuôi gia cầm. Thành lập mới các HTX dịch vụ nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!