Nuôi thủy sản theo hướng bền vững

Với lợi thế hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai tập trung phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Giọng nữ
Nuôi cá lồng trên lòng hồ huyện Quỳnh Nhai.

Chiềng Bằng là xã phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản của huyện, với 13 HTX nuôi và chế biến thủy sản cùng hàng chục hộ dân nuôi hơn 2.600 lồng cá, chiếm gần 60% số lượng lồng cá của toàn huyện. Các hộ đã liên kết thành lập HTX, cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, có cuộc sống ổn định.

Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, cho biết: Hằng năm, xã tuyên truyền bà con chấp hành các nội quy về đánh bắt thủy sản an toàn theo quy định, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cá nuôi. Ngoài ra, tổ chức các HTX tham gia tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, Luật HTX...

Tập trung phát triển nuôi cá lồng, đến nay, huyện Quỳnh Nhai duy trì hơn 260 ha mặt nước lòng hồ với hơn 4.500 lồng cá, ngoài ra, có hơn 15 ha ao, tổng sản lượng cá nuôi hằng năm trên 1.300 tấn, có 46 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, tập trung ở các xã ven sông, có lợi thế mặt nước, như: Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang, Mường Sại, Nặm Ét, Pá Ma Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Chiên... Trong đó, một số HTX có quy mô lớn, như: HTX thủy sản Hồ Quỳnh, HTX vận tải Hợp Lực, HTX Dịch vụ thương mại Thương Tuyên... Sản phẩm cá lồng tại Quỳnh Nhai chủ yếu là cá trắm, chép, lăng, nheo, rô phi đơn tính... Trung bình 1 lồng cá 35 m2 cho thu hoạch 3 tạ cá /trên năm, với giá bán từ 80-100 nghìn đồng/kg tùy từng loại cá, cho thu khoảng 30 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng đến các tỉnh, thành phố lân cận.

Du khách tham quan mô hình nuôi cá lồng của HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai.

Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, chia sẻ: Hiện tại, HTX có 9 thành viên đang nuôi gần 300 lồng cá. Nắm bắt nhu cầu thị trường, chúng tôi chuyển hướng từ nuôi đa dạng loại cá sang tập trung nuôi cá lăng, chủ động tốt hơn trong chăm sóc, phòng bệnh, nâng cao chất lượng cá, tăng tính cạnh tranh và ổn định về thị trường tiêu thụ. Mỗi năm, HTX xuất bán trên 200 tấn cá lăng, giá từ 90.000-100.000 đồng/kg. Sắp tới, HTX đang nghiên cứu và thuê chuyên gia đánh giá chất lượng môi trường nước hồ để nuôi thêm cá tầm.

Không chỉ tập trung sản xuất cá thương phẩm, những năm gần đây, huyện Quỳnh Nhai còn khuyến khích ngành chế biến thủy sản phát triển, nhằm đa dạng sản phẩm, gia tăng giá trị và từng bước xây dựng thương hiệu thủy sản. Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai có 2 sản phẩm OCOP từ thủy sản là cá sông Đà cấp đông của HTX thủy sản An Bình và chả cá sông Đà của cơ sở sản xuất Đào Thị Hiếu. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh, người dân còn sản xuất các sản phẩm chế biến từ thủy sản, như: Xúc xích cá sông Đà, cá tép dầu khô, cá ngão rút xương, tôm chao, giò cá, cá sấy khô... được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Nông dân xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Bà Hoàng Thị Thúy Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phòng đã tham mưu các giải pháp về phát triển, duy trì sản lượng nuôi trồng thủy sản, tăng cường hợp tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, vận động các HTX, doanh nghiệp, bổ sung các cơ sở chế biến, đảm bảo nghề nuôi trồng thủy sản Quỳnh Nhai phát triển bền vững.

Đưa thương hiệu cá sông Đà vươn xa ra thị trường, huyện Quỳnh Nhai đang tích cực triển khai các giải pháp, khuyến khích nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX thủy sản, kết nối, tiêu thụ cá thương phẩm và phát triển các sản phẩm chế biến, đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường, ngày càng đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho người dân.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới