“Thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc” là một trong những mục tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV xác định. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Khởi đầu cho sự lan tỏa
Nghị quyết số 08-NQ/TU đề ra 4 nhóm mục tiêu, 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp trọng tâm. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Sơn La xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu; xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 8 vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Cụ thể hóa nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 18 kế hoạch, 7 đề án, thành lập tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện nghị quyết; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện nghị quyết, đơn vị đã phối hợp các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát quy hoạch vùng trồng, chăn nuôi tập trung theo thế mạnh, điều kiện từng địa phương. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao gắn giải quyết vấn đề xã hội nảy sinh, như thiếu đất sản xuất, việc làm, thu nhập, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Thực hiện nghị quyết, các địa phương tập trung tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân trong quá trình triển khai. Tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện, đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái; đối với những cây trồng chưa có điều kiện áp dụng ngay, tập trung hình thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến để có sự hỗ trợ của doanh nghiệp.
Bước đột phá trong sản xuất
Thông tin về những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nói: Sơn La xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/năm. Nhiều HTX, hộ gia đình chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, như đốn tỉa, bao trái, đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nước tự động... tạo ra các sản phẩm quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hiện nay, tỉnh đã đưa vào sản xuất hơn 50 bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau, kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất, chất lượng. Năm 2022, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt gần 8.360 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch chiếm 5-10% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn tương đương tăng 17,4% so với năm 2021; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 47,3%...
Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng 4 trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đang triển khai thực hiện dự án xây dựng khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Có 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong đó 11 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Lĩnh vực chăn nuôi, đã ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho hơn 7.000 lượt bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao Brahman; chăn nuôi công nghệ khép kín, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc thương phẩm tại Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát - BLLP (Thành phố); Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy (Mai Sơn).
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, huyện Mai Sơn đã tập trung quy hoạch lại các vùng sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ gắn với các chuỗi liên kết sản xuất bền vững. Năm 2022, giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 126,6 triệu đồng/năm, cao hơn 2 lần so với giá trị thu nhập bình quân năm 2020. Toàn huyện trồng mới trên 1.100 ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện 11.000 ha, trong đó 3.500 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng công nghệ cao. Có 51 doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trên 1.200 ha cấp mã số vùng trồng. Huyện được UBND tỉnh công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.000 ha.
Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân chủ động chuyển sang sản xuất rải vụ, trái vụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Anh Lò Văn Âm, Phó Giám đốc HTX Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, nói: Tạo ra quả nhãn trái vụ, nông dân kỳ công chăm sóc, tỉa cành, tạo tán và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, đảm bảo cây nhãn phát triển tốt. Trước đây, vụ thu hoạch nhãn kéo dài 1 tháng, giá quả trung bình 10.000-20.000 đồng/kg; giờ áp dụng kỹ thuật rải vụ, nhãn thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, nhãn chín sớm, chín muộn giá bán cao gấp 2 lần nhãn chính vụ.
Câu chuyện ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của nông dân huyện Mai Sơn hay cách người nông dân nhiều địa phương thực hiện rải vụ trên cây trồng đang được nhân rộng, tạo phong trào rộng khắp.
Hướng đến trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện 2 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Thực hiện mục tiêu nghị quyết, tỉnh Sơn La tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục những hạn chế trong thực hiện nghị quyết với tinh thần chỉ đạo 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ chất lượng và rõ trách nhiệm”.
Năm 2023, Sơn La tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, nông dân phát triển cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; tăng diện tích, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm hữu cơ phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chủ trương đúng, là xu thế tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0. Với khí thế thi đua và trách nhiệm cao của các ngành, các cấp trong việc đưa Nghị quyết số 08-NQ/TU vào cuộc sống, là động lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!