Nhân rộng mô hình trồng rau chân vịt ở Thuận Châu

Sau gần 2 tháng, mô hình trồng rau chân vịt (rau cải bó xôi) do Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao triển khai thử nghiệm tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu đã cho thu hoạch. Qua đánh giá, rau chân vịt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Hiệu quả thực tiễn là cơ sở để nhân rộng mô hình, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.

Các đại biểu trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc rau chân vịt.

Mô hình trồng rau chân vịt được Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao phối hợp với huyện Thuận Châu triển khai trồng thử nghiệm tháng 12/2022 tại HTX Kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, với quy  mô 1 ha. Khi tham gia trồng, Công ty đã cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật, giống được đối trừ vào sản phẩm khi thu hoạch. 

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Ban đầu triển khai trồng rau chân vịt, HTX cũng gặp khó khăn vì chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 2 tháng trồng, toàn bộ diện tích đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 30 tấn/ha. Toàn bộ số rau được Công ty mua với giá 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 40 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, HTX đang trồng thêm 3.000 m², chúng tôi mong muốn Công ty tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, giống để triển khai nhân rộng mô hình, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động. 

Thực hiện chủ trương phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, huyện Thuận Châu chủ động phối hợp với Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La triển khai, tuyên truyền đến các hộ dân các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều loại cây trồng đã được triển khai thực hiện, như: Chanh leo, dứa; cây ngô ngọt vào trong vụ đông.

Thu hoạch rau chân vịt.

Bà Quàng Thị Phượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Theo kế hoạch hằng năm, huyện Thuận Châu trồng gần 600 ha các loại rau vụ đông, như: Bắp cải, su hào, cà rốt... Tuy nhiên giá thành không cao, không ổn định, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại địa phương. Với sự thành công của mô hình rau chân vịt sẽ giúp cho người nông dân có thêm sự lựa chọn những cây trồng mới, giá trị kinh tế thay thế những cây trồng kém hiệu quả. 

Rau chân vịt dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 45-50 ngày, chi phí đầu tư ban đầu thấp. Quá trình chăm sóc chỉ 1 lần bón lót, 2 lần bón thúc, mỗi 1 lần bón thúc là khoảng 70 - 100kg đạm/ha; bón lót chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai mục, chi phí phân bón cho quá trình sinh trưởng từ 35-37 triệu đồng, chi phí giống khoảng 6 triệu đồng/ha.

Rau chân vịt được xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Chi nhánh Doveco Sơn La, nói: Đây là vụ thu hoạch đầu tiên cây trồng mới, qua thực tiễn, chúng tôi đánh giá đây là mô hình tương đối thành công. Hiện nay, ngoài trồng rau chân vịt tại xã Phổng Lái, Công ty đang thực hiện trồng hơn 1 ha rau chân vịt tại xã Long Hẹ. 

Ngoài huyện Thuận Châu, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao còn triển khai thực hiện mô hình trồng rau chân vịt tại huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu. Dự kiến năm 2023, Công ty mở rộng quy mô trồng rau chân vịt lên 50-60 ha tại các huyện: Mường La, Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu và Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu. Việc tổ chức trồng và nhân rộng diện tích rau chân vịt, góp phần xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco.

Thu hoạch rau chân vịt.

Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Tôi thấy mô hình rất hiệu quả, năng suất khá cao, giá cả hợp lý. Sau tham quan thực tế, tôi sẽ về địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. 

Thu hoạch rau chân vịt cho nhà máy chế biến.

Hiệu quả bước đầu của mô hình trồng rau chân vịt trên địa bàn huyện Thuận Châu sẽ giúp cho người nông dân có thêm sự lựa chọn những cây trồng mới, góp phần thúc đẩy tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới