Bài 1: Tập trung xuất khẩu chính ngạch
Thời gian qua, mặc dù xuất khẩu qua biên giới đã có những đóng góp nhất định trong việc đưa nông, lâm, thủy sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, nhưng hình thức này ngày càng bộc lộ nhiều yếu điểm như: ùn tắc hàng hóa, chậm thông quan khi có thay đổi về chính sách tại khu vực cửa khẩu... Chuyển đổi xuất khẩu sang chính ngạch sẽ giải quyết căn bản các hạn chế này; đồng thời là lực đẩy nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 12,172 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 23,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 17% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 19,06 tỷ USD thì thị trường Trung Quốc chiếm 18,9%, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho biết: Cục đã hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc; và đang đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho mặt hàng quả dừa tươi. Vừa qua, Cục đã đề nghị Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố thông báo và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; rà soát, kiểm tra, đánh giá thực địa và tổng hợp danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi (quả có vỏ xanh, dừa gọt vỏ) và cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh (quả sầu riêng có vỏ, sầu riêng xay nhuyễn và cơm sầu riêng không có vỏ) có đủ hồ sơ, trang thiết bị máy móc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.
Thủy sản là một trong những mặt hàng còn rất nhiều dư địa tại Trung Quốc nếu công tác mở cửa thị trường thành công. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 805 cơ sở chế biến thủy sản; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đối với thủy sản sống, có 62 cơ sở của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, gồm các cơ sở xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua và tôm hùm.
Tính đến hết tháng 3, Việt Nam đã xuất khẩu 1.517 lô hàng thủy sản sống sang Trung Quốc, hiện chưa có lô hàng nào bị cảnh báo về tồn dư hóa chất và kháng sinh. Đối với thủy sản sống, hiện Trung Quốc đang yêu cầu quản lý theo chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng/khai thác đến thu hoạch/thu gom, vận chuyển, bao gói và xuất khẩu tiêu thụ. Đặc biệt hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang đề nghị góp ý cho dự thảo nghị định thư đối với thủy sản sống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các đối tượng tham gia phải có mã số, vùng nuôi phải được kiểm soát và có khả năng truy xuất nguồn gốc... Trung Quốc cũng yêu cầu các cơ sở bao gói phải thực hiện đăng ký và phải nằm trong danh sách được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên
Điều này một mặt sẽ thúc đẩy tiến trình xuất khẩu chính ngạch thủy sản sống sang thị trường Trung Quốc, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, hoạt động thẩm định cấp giấy chứng nhận xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, các lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu biên mậu, do đó doanh nghiệp lưu trữ bằng chứng xuất khẩu không đầy đủ. Việc thẩm tra xuất xứ nguyên liệu tại vùng nuôi cần thống nhất về tần suất, tỷ lệ lô hàng được thẩm tra/số lô hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên hệ thống thông tin, dữ liệu về các cơ sở nuôi/vùng nuôi lại chưa được lập và cập nhật trong cả nước... Do đó, muốn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tới đây của thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết, đồng thời cập nhật chương trình quản lý chất lượng theo thực tế đăng ký với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường. Từ đó, Cục xem xét phương án xác định lô hàng thủy sản sống được hình thành từ quá trình thu hoạch/thu mua để thuận lợi cho xuất khẩu.
Chuẩn hóa chất lượng và đổi mới xúc tiến thương mại
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng: Chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng thì việc giữ ổn định chất lượng và giám sát chất lượng trở nên vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc.
Đối với xuất khẩu tôm-mặt hàng chủ lực ngành thủy sản, bà Phùng Thị Kim Thu, Chuyên gia thị trường tôm (VASEP) thông tin: Tính tới 15/3/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 104 triệu USD, tăng 113% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh. Các sản phẩm tôm chế biến chủ yếu của Việt Nam được ưa chuộng ở Trung Quốc là há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc chuẩn hóa chất lượng các mặt hàng này. Vì mới đây, Trung Quốc đã cảnh báo và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador-quốc gia cung cấp tôm lớn nhất cho Trung Quốc. Cụ thể, đầu năm 2024, tôm Ecuador bị “soi” tại thị trường này sau khi có thông tin sản phẩm bán trên nền tảng thương mại có chứa chất bảo quản vượt mức cho phép.
Bên cạnh quản lý tốt chất lượng hàng xuất khẩu, chúng ta cũng cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Nguyễn Hữu Quân cho biết: Trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, Việt Nam nên xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào một số ngành hàng/nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại. Thí dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người (như phố đi bộ); biên tập cẩm nang giới thiệu lịch sử, văn hóa, ẩm thực về sầu riêng, măng cụt nhằm tạo thương hiệu hàng Việt Nam; xem xét có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng khuyến nghị các địa phương Việt Nam nên tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy. Ngoài ra, cần xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh nông sản Việt Nam bằng tiếng Trung Quốc trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Tiktok, Wechat, Weibo... để tìm kiếm lượng khách hàng lớn và đa dạng”- ông Nguyễn Hữu Quân nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam có 14 mặt hàng được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), quý I/2024 là lần đầu tiên trong quý I các năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam vượt 1 tỷ USD, đạt 1,23 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ thị trường Trung Quốc khi giữ vị trí dẫn đầu về trị giá xuất khẩu, đạt 759,4 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đã đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!