Nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Để khẳng định thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo niềm tin với người tiêu dùng, Thành phố đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã phát triển một số cây trồng chủ lực, gồm cà phê, mận, xoài, nhãn theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố hướng dẫn nông dân phường Chiềng An phương pháp giữ ẩm cho cây cà phê.
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Hiện nay, Thành phố đang có hơn 4.991 ha cà phê, trong đó có 4.520 ha cà phê kinh doanh, sản lượng quả tươi niên vụ 2022-2023 ước đạt trên 40.700 tấn, chiếm 46% tổng giá trị các loại cây trồng trên địa bàn, là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng nghìn hộ dân. Xây dựng, phát triển diện tích đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đã có 1.407 ha cà phê được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và RA.

Cơ quan chức năng của Thành phố đang hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật và thực hiện tái canh 132,6 ha đối với những diện tích già cỗi, cây sinh trưởng kém, không hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”; nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý. Phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Cà phê EAKMAT, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc, Công ty cổ phần tập đoàn Minh Tiến - MTG, Văn phòng Điều phối nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 7 mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết sản xuất; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Chiềng Cọ trên diện tích tái canh, trồng mới 48 ha.

Chị Lò Thị Tâm, bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, nói: Gia đình tôi có 5.000 m² cà phê là nguồn thu nhập chính. Năm 2022, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Sơn La hướng dẫn đưa giống cà phê mới THA1, TN1, TN6, TN7, TN9 là những giống cà phê cho năng suất cao, có khả năng chịu được sương muối vào trồng, ghép thay thế giống cũ. Diện tích cà phê ghép thích ứng tốt với khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt.

Đối với diện tích cây ăn quả, Thành phố đang có 4.100 ha, trong đó 95,2 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm quả, 2 năm qua, Thành phố tổ chức đưa các hộ nông dân đi học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả tại huyện Mộc Châu và Mai Sơn. Đồng thời, tổ chức 15 lớp tập huấn cho 475 lượt học viên về nội dung chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGap và tương đương, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất sản phẩm rải vụ, trái vụ để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tập trung sản xuất sản phẩm an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, Thành phố còn chỉ đạo triển khai 6 mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Các mô hình đã đạt lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha/năm, các hộ tham gia mô hình tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn. Các mô hình được thực hiện đã góp phần lan tỏa, thúc đẩy, khuyến khích nông dân tại các xã, phường trên địa bàn mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố hướng dẫn nông dân phường Chiềng An cắt tỉa cây cà phê.  
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Xã Chiềng Cọ là địa phương tiêu biểu với mô hình cải tạo thâm canh quýt. Toàn xã hiện có hơn 15 ha quýt, tập trung chủ yếu tại các bản: Ngoại, Muông, Hùn và bản Ót, trong đó, riêng bản Ngoại khoảng 12 ha. Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Xã xác định cây quýt là một trong những cây trồng giúp người dân làm giàu, xã không mở rộng diện tích mà tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng quýt và xây dựng thương hiệu quýt Chiềng Cọ. Sau 2 năm áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, năng suất quả đạt 5 tấn/ha, tăng 25% so với năm 2021; chất lượng quả ngọt, không bị khô múi, vỏ quả vàng sáng bóng, ít muội đen và vết bệnh; lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha. Hiện đang có 10 hộ gia đình ở bản Muông đăng ký thực hiện nhân rộng mô hình 5 ha cam, quýt.

Xã Chiềng Đen có mô hình sản xuất mận theo hướng hữu cơ quy mô 1 ha. Sau 2 năm triển khai thực hiện, năng suất quả đạt 13 tấn/ha, tăng 30% so với năm 2021, thu lợi gần 80 triệu/ha. Nhận thấy lợi ích kinh tế việc trồng mận theo hướng hữu cơ đem lại, 57 hộ xã Chiềng Đen, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ và phường Chiềng An đã tình nguyện mở rộng 44,1 ha mận sang trồng theo hướng hữu cơ. Ngoài ra, Thành phố còn đang trồng 2 ha xoài quy trình VietGAP tại xã Chiềng Ngần, 1 ha dứa tại phường Chiềng An, 2 ha thanh long tại phường Chiềng Sinh.

Ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng, Thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã cấp Giấy chứng nhận VietGap, chỉ đạo cơ quan chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tốt theo quy trình VietGAP cho các hộ nông dân. Đến nay, đã hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã, với tổng diện tích là 95,2 ha; hỗ trợ 5 hợp tác xã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ 5 hợp tác xã thiết kế nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Hướng dẫn 12 doanh nghiệp, hợp tác xã lập hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mận Sơn La, Xoài Sơn La, Nhãn Sơn La, Thanh Long Sơn La, Bơ Sơn La, Rau an toàn Sơn La”, được nhiều người tiêu dùng biết tới và được bán tại hệ thống các chuỗi cửa hàng, siêu thị.

Đối với việc phát triển các sản phẩm OCOP, chỉ đạo phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Hiện, Thành phố có 10 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm 5 sao, 7 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 3 sao.

Nâng cao các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thời gian tới, Thành phố tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương, đủ điều kiện cấp mã vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Nhất là khuyến khích hỗ trợ thiết lập các website, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ tư vấn xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa nông sản Sơn La ngày một vươn xa ra thị trường.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới