Với mục tiêu từng bước xây dựng những mặt hàng nông sản chủ lực, đặc trưng của từng vùng, tỉnh ta đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Tỉnh Sơn La có khoảng 12.300 ha mận, sản lượng quả tươi mỗi năm khoảng 90 nghìn tấn. Quả mận Sơn La có vị chua thanh, ngọt dịu, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, HTX Nông sản bản địa Nọng Piêu, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã phát triển dòng sản phẩm mận ruby.
Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Quá trình chuyển đổi làm mận ruby tiêu chuẩn rất là cao, nhưng khi ra thị trường, khách hàng sẽ không tin tưởng bởi không có minh chứng cụ thể là sản phẩm làm như thế nào, chất lượng ra sao. Do đó, việc đưa sản phẩm mận ruby tham gia dự thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023, chúng tôi mong muốn sản phẩm sẽ được khẳng định chất lượng, thương hiệu, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ liên kết trồng mận với HTX.
Cũng là một trong những đơn vị có sản phẩm tham gia OCOP cấp tỉnh năm nay, Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã hoàn thiện quy trình sản xuất long nhãn, áp dụng công nghệ sấy bơm nhiệt sản xuất hoàn toàn bằng năng lượng sạch. Năm 2023, sản phẩm long nhãn sấy khô được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Đạt Thủy thông tin: Tham gia chương trình OCOP, chúng tôi mong muốn khẳng định chất lượng, thương hiệu cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm. OCOP là chương trình của những sản phẩm đặc trưng tại từng địa phương. Sản phẩm phải được làm từ nguyên liệu địa phương và do người dân địa phương sản xuất. Những yêu cầu này chính là lợi thế đối với đơn vị Tham gia OCOP, chúng tôi còn được tư vấn, hỗ trợ thay đổi bao bì sao cho phù hợp, được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại ở trong và ngoài nước để mở rộng thị trường.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Đây đều là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của tỉnh, khá phong phú về chủng loại, gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm.
Ông Dương Gia Định, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Từ năm 2023, tỉnh Sơn La triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới điều chỉnh, bổ sung một số nội dung. Ví dụ, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện cho các chủ thể.
Việc đổi mới cách đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang lợi thế, đặc trưng của địa phương. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 151 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 55 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu mỗi xã, phường có ít nhất một sản phẩm OCOP, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP, trên hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh. Đồng thời, rà soát, định hướng phát triển các sản phẩm theo chất lượng. Tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm đã có, hoàn thiện các điều kiện để nâng hạng các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!