Mường Lang là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Phù Yên, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, do đó, việc chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa được xem là giải pháp trọng tâm. Cùng với hỗ trợ của huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, từng bước thay đổi phương thức sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về bản Thượng Lang thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Lò Văn Nhị, là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Anh Nhị chia sẻ: Sau khi đi tham quan mô hình nuôi bò “3B” tại xã Mường Cơi, tôi được chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời được cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, khuyến nông xã hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC. Ứng dụng mô hình có thể giảm chi phí về thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây, vì thế tôi đã đầu tư xây dựng khu chuồng nuôi 40 con trâu, bò; nuôi 1.000 con gà thả đồi; trồng hơn 2 ha mận hậu và bưởi; đào 100 m2 ao nuôi cá. Mỗi năm, xuất bán 15-20 con trâu, bò; 600-700 con gà thịt và thu từ mận hậu, bưởi, trừ chi phí thu 370 triệu đồng.
Còn gia đình anh Đinh Văn Lâm, bản Tường Lang, việc chuyển đổi 2 ha khu đất nương trồng ngô sang trồng cây lâm nghiệp. Anh Lâm chia sẻ: Qua tư vấn của cán bộ khuyến nông và thông tin từ các đơn vị thu mua gỗ, đầu năm 2021, tôi đã vay trên 50 triệu đồng của người thân, cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, mua trên 1.000 cây mỡ giống và phân bón; kết hợp trồng cây lương thực ngắn ngày để “lấy ngắn nuôi dài”. Sau gần 2 năm, cây mỡ phát triển tốt, hy vọng từ việc trồng cây lâm nghiệp sẽ giúp gia đình tôi có cuộc sống tốt hơn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Mường Lang, nhiệm kỳ 2020-2025: Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi 100 ha đất trồng cây hàng năm năng suất thấp sang trồng các loại cây lâu năm; chú trọng phát triển kinh tế rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên trên 50%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 35% trở lên...
Ông Hà Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lang, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 120 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho trên 5.200 lượt người. Tổ chức cho nhân dân đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại một số vườn cây ăn quả của xã Mường Cơi, Mường Thải và mô hình trồng rừng tại một số xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Qua đó, nhận thấy sự thay đổi tích cực của bà con trong quá trình chuyển đổi sản xuất, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Theo đánh giá giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ xã, ngoài 100 ha lúa 2 vụ, sản lượng bình quân đạt 400 tấn/vụ; 372 ha ngô, sản lượng đạt 2.700 tấn/năm; quản lý, bảo vệ trên 2.400 ha rừng; duy trì chăn nuôi 28.000 con gia súc, gia cầm... Nhân dân trong xã đã đầu tư phát triển một số mô hình kinh tế mới, tạo hiệu ứng tích cực, được nhiều hộ dân quan tâm. Trong đó, có mô hình nuôi dúi thịt; trồng cây lâm nghiệp; trồng cây ăn quả trên đất nương... Đồng thời, tận dụng đất bạc màu và đất rừng sản xuất để trồng mới trên 100 ha cây mỡ, keo và tếch. Hiện nay, quy mô đàn dúi thịt của 2 hộ gia đình nuôi đầu tiên trong xã có trên 600 con, xuất bán với giá từ 550-600 nghìn đồng/kg. Nhân dân trong xã đã cải tạo 90 ha bưởi, xoài và nhãn, sản lượng 870 tấn quả/năm.
Với những hướng đi cụ thể trong chuyển hướng sản xuất, cùng với sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Mường Lang đang vươn lên trở thành một trong những xã phát triển kinh tế hiệu quả của huyện Phù Yên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!