Hiện nay, toàn tỉnh có trên 36 chuỗi cung ứng rau an toàn, với diện tích trên 300 ha, sản lượng khoảng 13.000 tấn/năm. Sản phẩm rau, củ an toàn được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới, đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Mộc Châu là địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển các chuỗi trồng rau an toàn. Huyện đang có 20 chuỗi trồng rau an toàn, với tổng diện tích hơn 150 ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Các HTX trong chuỗi trồng rau an toàn đã thực hiện liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với HTX và liên kết HTX với HTX, có hợp đồng ký kết sản xuất và cung ứng sản phẩm rau cho hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng an toàn tại thành phố Hà Nội.
HTX rau an toàn tự nhiên, bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu có 20 ha rau các loại, sản lượng khoảng 2.000 tấn. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất rau an toàn của HTX; sử dụng nhật ký điện tử; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất rau của từng hộ thành viên. Tất cả các sản phẩm rau sau thu hoạch đều đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc, được khách hàng tin tưởng sử dụng. Vì vậy, các hộ sản xuất không còn lo đầu ra cho sản phẩm.
Tại huyện Mai Sơn, ngoài xây dựng và duy trì 3 chuỗi cung ứng rau an toàn, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao khảo sát, quy hoạch loại cây trồng phục vụ cho nguyên liệu chế biến và vận động doanh nghiệp, HTX, nhân dân ký hợp đồng liên kết sản xuất, gắn sản xuất an toàn với chế biến bền vững. Hiện nay, đã có 9 HTX, tổ hợp tác và các hộ liên kết sản xuất hơn 11 ha rau chân vịt và 250 ha đậu tương với Công ty.
HTX Trung Hiếu, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn liên kết trồng 200 ha đậu tương rau nguyên liệu chế biến cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Bà Đoàn Thị Thủy, Giám đốc HTX, chia sẻ: Năm nay là năm thứ 6, HTX liên kết sản xuất đậu tương rau, được Công ty hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất đúng tiêu chuẩn, yêu cầu và cam kết giá thu mua, đảm bảo hài hòa lợi ích của bên sản xuất và bên thu mua chế biến.
Thực hiện Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT ngày 9/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030”, tỉnh Sơn La đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng rau an toàn của tỉnh đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn. Trong đó, diện tích rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc ước đạt 7.500 ha, sản lượng ước đạt trên 80.000 tấn trở lên; phấn đấu trên 95% số mẫu rau được thanh tra, kiểm tra đạt tiêu chuẩn an toàn.
Hiện nay, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đang xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, nằm trong phương án quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan khác. Thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ phát triển HTX và nâng cao năng lực cho các thành viên HTX sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau. Xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!