Mai Sơn phát triển cây ăn quả có múi

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, những năm qua, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả có múi thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất.

Hiện nay, huyện Mai Sơn có trên 570 ha cam, bưởi, sản lượng trên 4.000 tấn/năm, tập trung ở các xã: Hát Lót, Chiềng Ban, Cò Nòi, Phiêng Cằm, Chiềng Mung. Nhận thấy trồng cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nông dân đang mở rộng diện tích trồng, góp phần nâng cao thu nhập, mở ra hướng đi mới trong quá trình đa dạng hóa cơ cấu cây trồng.

Vườn bưởi diễn của gia đình anh Nguyễn Bá Thành, xã Hát Lót, chuẩn bị cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán.

Là một trong những hộ trồng nhiều cây ăn quả của xã Hát Lót, gia đình anh Nguyễn Bá Thành đang có 3 ha cam và bưởi. Đưa chúng tôi thăm vườn, anh Thành giới thiệu: Diện tích bưởi da xanh của gia đình tôi đã bán hết, giá bình quân 14.000 đồng/kg, còn hơn 400 gốc bưởi diễn, gia đình đang tập trung chăm sóc để phục vụ cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới. Thời tiết thuận lợi, sản lượng bưởi đạt cao hơn so với mọi năm. Dự kiến, gia đình cung cấp cho thị trường khoảng trên 40.000 quả. Như mọi năm, thương lái từ Thành phố và các huyện lân cận đến mua bưởi của gia đình tại vườn, với giá 8.000 - 10.000 đồng/quả tùy loại.

Diện tích cam đường canh ghép trên gốc bưởi.

Ngoài bưởi da xanh và bưởi diễn, năm 2022, anh Thành về Bắc Giang học tập kinh nghiệm, ghép, cải tạo hơn 1 ha cam đường canh từ các gốc bưởi. Dự kiến, năm 2024, cam đường canh cho quả bói. Hiện, anh đang tập trung sử dụng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh để bón phân cho cây sinh trưởng.

Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Bá Thành sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ.

Rời xã Hát Lót, chúng tôi đến thôn Nà Sản, xã Chiềng Mung, thăm vườn cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Xuân Hạnh, rộng 1,5 ha. Để giảm áp lực tiêu thụ quả vào cùng một thời điểm, ông Hạnh đã áp dụng kỹ thuật rải vụ cho cây bưởi. Theo đó, bưởi da xanh thu hoạch từ tháng 7 đến Tết Nguyên đán. Bưởi là cây trồng khó tính, dễ nhiễm bệnh nên để giữ ổn định nguồn thu, đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm.

Ông Hạnh bộc bạch: Toàn bộ diện tích bưởi của gia đình đều dùng đậu tương, cá ủ lên men tự nhiên dùng làm phân bón, nhờ vậy, chi phí cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm hàng chục triệu đồng/vụ. Tôi cũng đầu tư hệ thống tưới tự động, hệ thống châm phân tự động để tiết kiệm sức lao động. Mỗi cây bưởi 8 năm tuổi, cho khoảng 80-120 quả. Hiện tại, vườn bưởi của gia đình tôi đã có người đặt trước gần 1 tháng nay rồi. Ước lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha.

Sử dụng hệ thống châm phân tự động giúp giảm sức lao động.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, cho biết: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế mà cây có múi mang lại, thời gian qua, huyện Mai Sơn triển khai các giải pháp nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây ăn quả có múi. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, chuyển từ phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng công nghệ, giảm sức lao động. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng; kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả... nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nông dân xã Chiềng Mung trao đổi kỹ thuật trồng bưởi da xanh.

Hiện nay, cam và bưởi đang là một trong những loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, cây trồng có múi cũng đang phát triển nở rộ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Vì vậy, để sản phẩm của nông dân phát triển, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Nguyễn Yến- Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới