Với mục tiêu liên kết sản xuất, phát triển bền vững, năm 2016, các hộ dân bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, đã thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, tập trung phát triển cây nhãn và xoài, mang lại thu nhập cao.
Trong câu chuyện với ông Lường Văn Thoan, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, được biết: Trước đây, thu nhập của nhân dân trong bản chủ yếu là ngô và sắn. Tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, ông Thoan đã tiên phong áp dụng và vận động các thành viên trong gia đình đưa cây trồng mới vào sản xuất, như: Nhãn miền thiết, xoài, thanh long… Thấy hiệu quả của mô hình, nhiều hộ dân trong bản đã học và làm theo.
Ông Lường Văn Thoan chia sẻ: Tôi nghĩ, nếu làm đơn lẻ sẽ không cho sản phẩm chất lượng cao. Vì vậy, tôi vận động một số hộ dân thành lập HTX. Đến nay, HTX có 14 thành viên, quy mô sản xuất là 27 ha cây ăn quả.
Hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản. Hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và cấp miễn phí tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả nhãn tươi của HTX.
Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng khâu công việc, như: hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây. Với mục tiêu hướng đến sản xuất hữu cơ, đến nay, HTX có 10 ha đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp 2 mã vùng trồng xuất khẩu Trung Quốc và Úc.
Cùng ông Thoan đến thăm mô hình cây ăn quả của thành viên Lò Văn Ngoãn, với gần 2 ha nhãn, thu 20 tấn quả/năm. Đón chúng tôi, ông Ngoãn phấn khởi nói: Việc liên kết trong sản xuất tạo cơ hội cho các thành viên tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhất là việc xây dựng mã số vùng trồng đã mang lại ích lợi thiết thực, như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc và quản lý cây trồng; quản lý diện tích trồng, số lượng cây, đưa ra được quy trình chuẩn trong chăm sóc cây trồng; giúp theo dõi lịch sử chăm sóc cây, cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất... Thời điểm này, các thành viên đang tập trung chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch.
Ngoài xuất bán quả tươi, HTX còn vận động thành viên chế biến long nhãn, nhằm giảm áp lực tiêu thụ quả tươi và tránh tình trạng tư thương ép giá. Theo chia sẻ của các thành viên, trước đây, long nhãn sấy khô bằng phương pháp thủ công đốt than đá, một ngày làm được 50 kg đến 1 tạ. Hiện nay, các thành viên đã đầu tư 7 lò sấy nhiệt, công suất chế biến tăng lên 7 tạ quả tươi/ngày. Năm nay, các thành viên thu mua và chế biến được hơn 60 tấn long nhãn; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc.
Chia sẻ về dự định của HTX thời gian tới, ông Thoan nói: HTX tiếp tục áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng VietGap; trồng thử nghiệm cây thanh long; chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ. Năm nay, HTX thí điểm chuyển đổi 2 ha, dù chi phí cao hơn so với nhãn chính vụ, giá ổn định.
Nói về HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh, ông Dương Hữu Hảo, Chủ tịch UBND xã Nà Nghịu, đánh giá: Sự năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của HTX đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các thành viên đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm, cách làm kinh tế với bà con trong bản, trong xã. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trong xã đã liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến nay, xã Nà Nghịu có 3 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Đây là điều kiện để xã hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Việc liên kết sản xuất của HTX dịch vụ nông nghiệp An Thịnh đã tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới; thay đổi tập quán trồng trọt nhỏ lẻ, phân tán sang thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên HTX.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!