Đầu tháng 6, sau khi kết thúc niên vụ sản xuất 2022-2033, chúng tôi có dịp đến một số vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần mía đường Sơn La. Những cánh đồng mía lại thêm màu xanh mới.
Những ngày này, cũng như hàng nghìn hộ trồng mía trên địa bàn huyện Mai Sơn, với sự hỗ trợ của cán bộ nông vụ Công ty cổ phần mía đường Sơn La, gia đình ông Lò Văn Khôn, bản Nong Te, xã Cò Nòi tập trung chăm sóc hơn 2 ha mía mới trồng để tăng khả năng chống lại hạn hán do đợt nắng nóng kéo dài.
Ông Lò Văn Khôn chia sẻ: Gia đình đã ký hợp đồng trồng mía với Công ty cổ phần mía đường Sơn La hơn chục năm nay. Với 3 ha, vụ vừa qua mặc dù thời tiết không thuận lợi, năng suất thấp hơn vụ trước, nhưng gia đình vẫn thu lãi gần 180 triệu đồng, cao hơn nhiều so với một số cây lương thực ngắn ngày khác.
Thực hiện phương châm “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía”, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng mía. Đồng thời, tiến hành khảo nghiệm một số giống mía mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để cung ứng cho nông dân đưa vào sản xuất đại trà.
Công ty đã xây dựng được mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Bằng các chính sách đầu tư hiệu quả, mỗi năm, Công ty chi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ làm đất, làm đường, phân bón cho nông dân. Niên vụ 2022-2023, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Công ty đạt gần 9.500 ha, tăng hơn 5 lần so với 15 năm trước khi bắt đầu thực hiện cổ phần hóa. Cây mía đã trở thành cây chủ lực trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 10.000 hộ nông dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên và Thành phố.
Đến nay, 100% số hộ tham gia liên kết trồng mía với Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã thoát nghèo, nhiều hộ giàu lên từ cây mía. Bên cạnh đó, xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía tập trung đã khai thác hiệu quả quỹ đất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đẩy mạnh quá trình thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Vai trò của Công ty cổ phần mía đường Sơn La rất quan trọng đối với đời sống, sản xuất và thu nhập của người nông dân. Theo thống kê, huyện có 6.393 hộ, với 7.800 lao động, chiếm gần 7,6% tổng số lao động trong huyện tham gia trồng mía, với diện tích 5.600 ha. Bên cạnh đó, việc thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã trong quy hoạch vùng nguyên liệu mía.
Chúng tôi đến xã Chiềng Pằn, là một trong những xã có diện tích mía lớn của huyện Yên Châu. Với 525 ha, sau một vụ mía thành công, bà con đang tiếp tục cày luống, bón phân, chăm sóc cho vụ mới. Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã, nói: Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Công ty cổ phần mía đường Sơn La, bà con đã tập trung đầu tư thâm canh, đưa cơ giới vào sản xuất, năng suất bình quân hơn 80 tấn/ha, Công ty đã ký hợp đồng thu mua với giá ổn định, trung bình mỗi ha mía sau khi trừ chi phí bà con lãi khoảng 60 triệu đồng. Đặc biệt, cây mía đã đóng góp vào một số tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, đó là liên kết tổ chức sản xuất, tiêu chí về thu nhập, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của xã.
Còn ở bản Kho Vàng, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu có 107 hộ, năm 2021, gia đình ông Hoàng Văn Tâm là 1 trong 30 hộ đầu tiên của bản hợp đồng trồng mía với Công ty cổ phần mía đường Sơn La. Ông Tâm chia sẻ: Công ty hỗ trợ 5 triệu đồng công làm đất và 2 tấn phân vi sinh bón lót cho 1 ha trồng mới. Công ty cam kết thu mua hết sản phẩm cho nông dân. Đến nay, cả bản đã có 65 hộ tham gia trồng gần 50 ha mía nguyên liệu.
Song song mở rộng vùng nguyên liệu, những năm qua, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng lắp đặt hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến nâng công suất lên 500.000 tấn mía cây/ngày, gắn với triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường. 2 năm trở lại đây, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra về môi trường, Công ty được các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đánh cao hệ thống xử lý nước thải.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La, thông tin: Công ty đang tiếp tục xây dựng những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo hướng bền vững, bảo vệ lợi ích, cũng như nâng cao trách nhiệm của người trồng mía trong việc sản xuất, tham gia quản lý và bảo vệ vùng nguyên liệu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, tham gia các hoạt động xã hội, nhằm giúp cho cộng đồng trong vùng quy hoạch đều được hưởng lợi, cũng như giữ vững mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng mía.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!