Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch, kịp thời phòng ngừa rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ, Kho bạc Nhà nước tỉnh vừa có công văn về việc cảnh báo rủi ro thanh toán trùng hóa đơn, chứng từ đến các đơn vị sử dụng ngân sách.
Ông Đặng Hồng Quang, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, cho biết: Thanh toán trùng hóa đơn, chứng từ là việc một hóa đơn, hoặc hồ sơ gốc phát sinh nhưng được gửi 2 lần vào các thời điểm khác nhau để thanh toán. Nguyên nhân của việc trùng hóa đơn chứng từ có thể do đơn vị sử dụng ngân sách sơ xuất, nhầm lẫn trong việc tập hợp hồ sơ, chứng từ để gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán, hoặc đơn vị sử dụng ngân sách cố tình lập hóa đơn chứng từ trùng để lợi dụng, chiếm đoạt tiền ngân sách.
Tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Sơn La, tính riêng 9 tháng qua, đã phát hiện 7 hồ sơ thanh toán trùng hóa đơn, chứng từ. Kho bạc Nhà nước tỉnh đã phối hợp với đơn vị sử dụng ngân sách rà soát và xử lý thu hồi giảm chi ngân sách nhà nước theo quy định. Ngoài ra, phát hiện 21 hồ sơ, chứng từ chênh lệch số tiền với bảng kê; 2.514 hồ sơ từ chối nhiều lần trên chương trình dịch vụ công trực tuyến. Nguyên nhân là do đơn vị sử dụng ngân sách không kê đầy đủ nội dung theo chứng từ, chỉ kê một phần nội dung chi trên bảng kê nội dung tạm ứng/thanh toán. Đơn vị sử dụng ngân sách thanh toán số tiền trên chứng từ nhiều hơn số tiền bảng kê nội dung tạm ứng/thanh toán.
Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Thanh tra - Kiểm tra, Kho bạc Nhà nước tỉnh, cho biết: Ngay sau khi có công văn của Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã gửi văn bản tới các cơ quan, đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tỉnh; các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đề nghị các đơn vị sử dụng ngân sách tăng cường kiểm tra, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các chứng từ, hóa đơn thanh toán của đơn vị trước khi lập và gửi hồ sơ thanh toán qua Kho bạc Nhà nước tỉnh, không để phát sinh việc lập, gửi hồ sơ thanh toán trùng chứng từ, hóa đơn. Đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai, nghiên cứu học tập nghiệp vụ đến toàn thể cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch và hướng tới “Kho bạc 3 không”, không đến giao dịch trực tiếp, không sử dụng chứng từ giấy, không sử dụng tiền mặt, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến đối với 100% các đơn vị; triển khai đồng bộ hệ thống thanh toán song phương điện tử, hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và chương trình thanh toán liên ngân hàng ổn định, đảm bảo đúng quy trình, an toàn, thông suốt. Phối hợp với các đơn vị dự toán đẩy nhanh tiến độ thanh toán tự động các khoản tiền dịch vụ điện, nước, bưu chính viễn thông qua Kho bạc Nhà nước. Phối hợp thực hiện thu ngân sách nhà nước với 7 ngân hàng thương mại trên địa bàn; áp dụng các hình thức thu, nộp ngân sách hiện đại qua Internet, qua thiết bị chấp nhận thẻ và thực hiện thu ngân sách 24/24 kể cả ngày nghỉ, lễ, tết...
Những tiện ích đang triển khai, giúp Kho bạc Nhà nước tỉnh rút ngắn thời gian lập và trình ký, theo dõi chu trình dịch chuyển chứng từ thanh toán, đối chiếu số liệu nhanh, gọn, chính xác, tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại, chờ đợi cho khách hàng; tăng cường tính bảo mật, giúp khách hàng cũng như Kho bạc giám sát quá trình xử lý hồ sơ, kiểm soát chi ngân sách nhà nước; nâng cao tính trách nhiệm, minh bạch trong kiểm soát chi ngân sách nhà nước nói riêng và giao dịch với khách hàng nói chung.
Với chỉ đạo quyết liệt của Kho bạc Nhà nước, rủi ro phát sinh trong kiểm soát chi, kế toán thanh toán ngân sách nhà nước sẽ được kiểm soát, ngăn chặn từ sớm, từ xa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, ngân sách, nâng cao chất lượng hoạt động Kho bạc Nhà nước các cấp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!