Hỗ trợ hội viên chăm sóc, bảo vệ cây trồng

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các địa phương mở các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo và hướng dẫn trực tiếp cho nông dân theo cách “cầm tay chỉ việc” các kỹ năng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Giọng nữ
Nông dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên, trao đổi kinh nghiệm phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 170.000 hội viên nông dân đang sản xuất khoảng 1 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, trên 84.000 ha cây ăn quả, còn lại là cây lương thực và cây trồng khác. Thời điểm tháng 6-7, thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa giông kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển.

Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Trong xu thế sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn đang phát triển, cùng với việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân cần có thêm kiến thức phòng trừ sâu bệnh bằng những phương pháp mới. Do đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội thường xuyên cung cấp, cập nhật cho hội viên kiến thức phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người nông dân.

Cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lang, huyện Phù Yên, hướng dẫn nông dân phòng, chống sâu bệnh cho cây thanh long.

Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp mở 4 lớp tập huấn cho hàng trăm hội viên về phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng theo từng thời điểm của vụ sản xuất. Trong đó, tập trung hướng dẫn làm sạch đất bằng vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh và nơi trú ẩn của sâu bệnh; sử dụng phân bón hợp lý theo từng thời kỳ phát triển, tăng sức đề kháng cho cây; gieo trồng đúng khung thời vụ; luân canh các loại cây trồng theo mùa, giảm sự thích nghi của sâu bệnh hại...

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân sản xuất theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh, kết hợp với các loại chế phẩm sinh học trong sản xuất. Điển hình như huyện Phù Yên đã sản xuất hơn 600ha lúa theo hướng hữu cơ, với các giống BC15, J02, đài thơm 8... có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha.

Nông dân bản Thắm Tôn, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, sử dụng túi bao quả phòng sâu bệnh hại.

Ông Cầm Ngọc Nhiến, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, chia sẻ: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi được cán bộ các phòng chuyên môn và Hội Nông dân huyện hướng dẫn tận dụng các loại động vật, sinh vật có lợi để phòng sâu bệnh theo phương pháp thiên địch, kết hợp với các loại thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Nhờ vậy, ruộng lúa của gia đình luôn đạt năng suất cao, sản phẩm gạo nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng.

Còn gia đình bà Bùi Thị Thơm, bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, trồng 3ha bưởi, nhờ tích cực thực hiện việc đốn tỉa, trẻ hóa cho cây sau mỗi vụ thu hoạch và sử dụng các loại phân hữu cơ, tích cực vệ sinh đất, vì vậy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất trên 14 tấn quả/ha. Bà Thơm chia sẻ: Sau mỗi vụ thu hoạch, số lượng lá cây, cành cây nếu không được xử lý có thể trở thành ổ chứa sâu bệnh. Do đó, cùng với cắt tỉa, dọn cành lá, tôi còn sử dụng vôi bột rắc quanh gốc để hạn chế sâu bệnh hại.

Nông dân xã Quang Huy, huyện Phù Yên, sử dụng chế phẩm sinh hoạt phòng, trừ sâu bệnh cho lúa.

Việc quan tâm hướng dẫn hội viên nông dân chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng bằng các biện pháp sinh học, từng bước thay đổi phương thức canh tác của người dân chuyển dần sang hướng hữu cơ, góp phần xây dựng vùng sản xuất sạch, an toàn.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới