Hiệu quả từ Dự án hỗ trợ canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu

Sau gần 2 năn triển khai thực hiện, Dán CRAS “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại Sơn La và Điện Biên, xem xét tác động của dịch Covid-19” đã góp phần nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, HTX, nhóm hộ nông dân xây dựng vùng chuyên canh cà phê bền vững.

Với 20.000 ha cà phê, Sơn La có diện tích cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Trong đó, gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 200.000 tấn quả tươi, giá trị sản phẩm quả tươi ước đạt trên 2.045 tỷ đồng. Cây cà phê góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng nguyên liệu tập trung, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ nông dân.

Người dân xã Chiềng Cọ, Thành phố thu hái cà phê.

Tuy nhiên, canh tác cà phê theo phương pháp truyền thống, dựa vào kinh nghiệm tác động xấu đến môi trường, như: Việc lạm dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân bón vô cơ liên tục qua nhiều vụ sản xuất, ít sử dụng phân bón hữu cơ và nước tưới cho cà phê, mật độ trồng cà phê còn dày, cây già cỗi, thoái hóa, ít đốn tỉa, tạo tán, tỷ lệ có cây che bóng thấp dưới 30% diện tích canh tác trên đất dốc thiếu bền vững gây xói mòn, rửa trôi đất... làm đất trồng bị suy thoái nghiêm trọng.

Nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dẫn tới ảnh hưởng năng suất, chất lượng cà phê; sản xuất cà phê tại Sơn La cũng chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu... Tất cả những điều này, làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững, hiệu quả kinh tế giảm sút, tác hại tiêu cực của biến đổi khí hậu, có nguy cơ đe dọa đến đời sống nhiều hộ sản xuất quy mô nhỏ, trong đó có nông dân trồng cà phê. 

Dự án mở lớp tập huấn TOF cho nông dân trồng cà phê.

Tháng 8/2022, Dự án CRAS “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại Sơn La và Điện Biên, xem xét tác động của dịch COVID19“ do tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ; Cục Trồng trọt đơn vị điều phối dự án; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nomafsi), đã triển khai, thực hiện tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố. Dự án thực hiện từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2023.

Dự án đặt mục tiêu nâng cao năng lực cho 1.600 nông dân thông qua 40 lớp TOF (20 lớp huyện Mai Sơn, 10 lớp ở thành phố Sơn La, 10 lớp ở Thuận Châu); mỗi lớp tập huấn 4 đợt trong năm về: Giống, trồng mới, tái canh và ghép cải tạo cà phê chè; kỹ thuật canh tác cà phê chè bền vững; quản lý dinh dưỡng và sinh vật gây hại cà phê chè; thu hoạch, chế biến, bảo quản. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trồng, chế biến biến cà phê tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk cho 36 đại biểu tỉnh Sơn La gồm có các đơn vị Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cơ quan chuyên môn và quản lý nông nghiệp cấp huyện, 1 số HTX và nông dân tham gia dự án. Xây dựng 2 mô hình trình diễn, quy mô 5ha/mô hình, gồm: Mô hình cà phê sản xuất kinh doanh dưới 15 tuổi tại bản Ten Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn và mô hình cà phê già, cuối chu kỳ sản xuất kinh doanh trên 15 tuổi, tại bản Sàng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu.

Dự án tổ chức cho cán bộ ngành Nông nghiệp và một số HTX tham quan học tập kinh nghiệm trồng, chế biến biến cà phê tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Chị Nguyễn Thị Vân, Nghiên cứu viên, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết: Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, nhóm dự án đã xây dựng mô hình cà phê sản xuất kinh doanh dưới 15 tuổi tại bản Ten Nghịu, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn. Mô hình xây dựng thiết kế cảnh quan; trồng cây đai rừng chắn gió bão, tăng cường khả năng giữ nước bằng giổi, lát; trồng các cây che bóng đa dụng, như: Mắc ca, trám đen có tác dụng che bóng và tăng thêm thu nhập cho nông dân. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ cho sản xuất cà phê, sử dụng vôi cải tạo đất, diệt mầm bệnh trong đất; xử lí nấm bệnh trong đất thông qua sử dụng các chế phẩm EM (trichodemar…) tiêu diệt nấm tuyến trùng trong đất, giúp phân giải nhanh hữu cơ trong đất giúp cây trồng có thể hấp thụ được. Với mô hình cà phê cuối chu kỳ thực hiện tại bản Sẳng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, nhóm dự án cải tạo vườn cà phê bằng cách cưa đốn, ghép cải tạo giống cà phê lai TN1 và TN2 cho năng suất cao; đối với phần già cỗi không thể ghép cải tạo, tiến hành trồng mới bằng giống THA1.

Dự án tổ chức cho đại diện cán bộ ngành Nông nghiệp và một số HTX trồng cà phê của tỉnh Sơn La thăm quan, học tập mô hình tại  tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Là một trong những hộ được lựa chọn tham gia mô hình cải tạo cà phê của dự án, ông Quàng Văn Hòa, bản Sẳng, xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, cho biết: Nhà tôi có hơn 1 ha cà phê Arabica trên 16 năm tuổi. Tham gia dự án, gia đình được hỗ trợ 900 cây cà phê THA1 trồng mới cải tạo, thực hiện kỹ thuật đốn ghép 300 gốc cà phê bằng giống THA1. Tôi được cán bộ cho đi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cà phê đảm bảo năng suất, chất lượng, có lợi cho sức khỏe, môi trường khi hạn chế sử dụng phân vô cơ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng ủ hoại mục; liên kết với các công ty để tiêu thụ quả cà phê tươi. Tôi mong muốn, dự án tiếp tục được nhân rộng.

Cán bộ Dự án hướng dẫn cho nông dân về kỹ thuật tái ghép tái canh cà phê già cỗi

Ông Lò Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi, huyện Thuận Châu, thông tin: Toàn xã có trên 400 ha cà phê, đây là cây trồng chủ lực của xã. Chúng tôi rất vui vì Dự án CRAS đã lựa chọn xã Muổi Nọi triển khai mô hình tái canh cà phê già, cuối chu kỳ sản xuất kinh doanh trên 15 tuổi, tại bản Sàng. Sau gần 2 năm triển khai, mô hình đã thành công, đã tái canh diện tích cà phê già cỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với BĐKH, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Còn tại Thành phố Sơn La, dự án xây dựng 2 ha mô hình vườn giống đầu dòng cà phê chè TN1, TN2 bằng ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi trên 15 năm tuổi. Tập huấn cho 20 học viên là các hộ nông dân tham gia mô hình và cán bộ khuyến nông trên địa bàn về giống, kỹ thuật ghép cải tạo, chăm sóc sau khi ghép và quản lý, khai thác vườn giống gốc.

Ông Lưu Ngọc Quyến, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Nomafsi), cho biết: Sau gần 2 năm triển khai, dự án đã đạt mục tiêu đề ra, đó là xây dựng bộ tài liệu ToT, ToF cho cán bộ và nông dân trồng cà phê, xây dựng 10 ha mô hình trình diễn CSA (nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH) cho cà phê là địa điểm tham quan, học tập của người dân tại địa phương; xây dựng 2 ha mô hình vườn cây đầu dòng cà phê chè TN1, TN2; hỗ trợ xây dựng 2 vườn ươm sản xuất giống cà phê THA1 và cây lâm nghiệp che bóng đa dụng tại HTX Quyết Thắng và HTX Thuận Sơn, quy mô 200 m2 nhà lưới, 100.000 cây giống. Thông qua các hoạt động của dự án, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ kỹ thuật, khuyến nông, cán bộ chuyên môn của các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh về: Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới sản xuất cà phê chè tại Tây Bắc; kỹ thuật sản xuất cà phê chè bền vững thích ứng với BĐKH; phát triển liên kết thị trường, kỹ năng thương thảo, ký kết hợp đồng; kỹ năng khuyến nông trong tập huấn, đào tạo...

Cán bộ Dự án hướng dẫn hộ nông dân xã Chiềng Cọ, Thành phố kỹ thuật chăm sóc cây cà phê thời kỳ ra quả.

Thực hành canh tác cà phê thích ứng với BĐKH tại Sơn La là một dự án ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh, hàng nghìn ha cà phê của tỉnh Sơn La cần được tái canh. Đặc biệt, ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), theo đó, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn, dựa trên đó, xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư

    Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu dân cư, khu đô thị ở tỉnh ta những năm gần đây được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần tăng nguồn cung bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
  • 'Dạy thực chất, học thực chất

    Dạy thực chất, học thực chất

    Khoa Giáo -
    Tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, đưa việc “Dạy thực chất, học thực chất” ngày càng đi vào chiều sâu, đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Mai Sơn.
  • 'Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

    Xã hội -
    Với phương châm “Hướng về cơ sở, vì người lao động”, các cấp công đoàn của huyện Thuận Châu đã cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với cơ quan, đơn vị; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động.
  • 'Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững ở Mường Sang

    Kinh tế -
    Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu đã vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

    Xã hội -
    Huyện đoàn Mường La có 27 cơ sở đoàn, với gần 11.500 đoàn viên. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ của huyện đã phát huy sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cống hiến, triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực vì cuộc sống cộng đồng.
  • 'Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Quỳnh Nhai nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng

    Xây dựng Đảng -
    Nghiêm túc quán triệt các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở”, Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mọi mặt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh.
  • 'Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Hạn chế thấp nhất tình trạng cháy, nổ, huyện Sông Mã đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
  • 'Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Chủ động bảo vệ rừng mùa khô

    Xã hội -
    Huyện Phù Yên có gần 62.190 ha rừng, với độ che phủ rừng đạt trên 49,6%. Đang là kỳ cao điểm mùa khô hanh, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng.