Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sau một năm triển khai, tiểu dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Sơn La” (IDAP) thuộc Dự án GREAT 2 do Chính phủ Australia tài trợ, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh, nhất là các mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ.

Giọng nữ
Đại biểu tham dự Ngày hội chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trường Đại học Tây Bắc.

Tiểu dự án IDAP do Chính phủ Australia tài trợ không hoàn lại hơn 9,4 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 6/8/2024, triển khai đến hết tháng 3/2027. Dự án nhằm hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, nâng cao thu nhập, vị thế xã hội và tham gia vào quá trình ra quyết định. Các nội dung hỗ trợ tập trung vào đào tạo, tư vấn, chuyển đổi số, nâng cao kỹ thuật và kết nối thị trường, thông qua khảo sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức sự kiện, phân tích dữ liệu và thúc đẩy hệ sinh thái số địa phương theo hướng bền vững.

Đến nay, Tiểu dự án đã có kế hoạch tổng thể, kế hoạch năm 2024-2025 và ký biên bản ghi nhớ; trong tổng số 36 hoạt động, đã triển khai và hoàn thành 26 hoạt động, đạt 72,2%. Có 112 doanh nghiệp, 501 người được hỗ trợ chuyển đổi số; 433 hộ tăng thu nhập; tổng cộng 909 người hưởng lợi, trong đó, hơn 400 lao động bán thời gian.

Đoàn giám sát làm việc với đại diện HTX Tây Bắc Eco, xã Gia Phù.

Ông Quàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Ban Quản lý dự án GREAT, cho biết: Trong 6 tháng qua, tiểu dự án đã tổ chức Ngày hội chuyển đổi số tại Trường Đại học Tây Bắc; tuyển chọn, phỏng vấn doanh nghiệp tham gia đợt 2; đào tạo chuyển đổi số cơ bản và nâng cao cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, tổ chức cho 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham quan thực tế...

Tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý Dự án GREAT phối hợp với Sở Tài chính và đơn vị tư vấn đã tổ chức giám sát thực địa tại Phù Yên. Đoàn làm việc với 2 mô hình tiêu biểu do phụ nữ làm chủ: Hợp tác xã Tây Bắc Eco; Tổ hợp tác Dệt sợi bông truyền thống Bản Khảo, ghi nhận sự chủ động trong tiếp cận công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số của 2 mô hình.

Đoàn đã đánh giá hiệu quả bước đầu, nhận diện khó khăn, tiếp thu ý kiến từ cơ sở để điều chỉnh phù hợp. Kết quả cho thấy, tiểu dự án đang đi đúng hướng, kịp thời tiếp nhận kiến nghị, nâng cao hiệu quả triển khai.

Đoàn giám sát làm việc với đại diện Tổ hợp tác Dệt sợi bông truyền thống Bản Khảo, xã Tường Hạ.

Sau khi tham gia các khóa đào tạo từ tiểu dự án, chị Lại Thanh Phương, Giám đốc HTX Tây Bắc Eco, đã biết cách xây dựng fanpage, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo nội dung, quảng bá sản phẩm, học tiếng Anh để kết nối khách quốc tế. Chị cũng được huấn luyện 1:1 bởi chuyên gia KisStartup và hỗ trợ bởi giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc. Chị Phương chia sẻ: Sau ba tháng, HTX tăng 20% doanh thu, đạt 200 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2025. Sản phẩm chủ lực, gồm: Rượu men lá Mường Tấc, rượu táo mèo, mơ vàng, dâu mật ong…, hướng đến người tiêu dùng quan tâm sức khỏe.

Chị Hà Thị Thảo, dân tộc Thái, Tổ hợp tác Dệt sợi bông truyền thống bản Khảo, xã Tường Hạ, đang gìn giữ nghề dệt truyền thống và tạo việc làm cho phụ nữ địa phương. Từ khi thành lập, Tổ hợp tác thu hút hơn 30 lao động là các bà, các mẹ có tay nghề, góp phần khôi phục nét đẹp văn hóa dân tộc.

Tham gia đào tạo chuyển đổi số từ tiểu dự án, chị Thảo đã biết xây dựng fanpage, định giá sản phẩm, ứng dụng AI viết bài quảng bá và kết nối khách hàng qua nền tảng số. Nhờ đó, các sản phẩm thủ công như đệm ngồi, gối, túi đeo, áo may... bán chạy hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chị Thảo chia sẻ: Tôi đã biết cách quản lý, phân công công việc hợp lý, cân bằng giữa gia đình và sản xuất. Đặc biệt, chồng và các con luôn đồng hành, ủng hộ tôi phát triển tổ hợp tác.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Ban Quản lý dự án GREAT khảo sát tiến độ thực hiện tiểu dự án.

Dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng tiểu dự án “Hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hệ sinh thái chuyển đổi số bao trùm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Sơn La”  bước đầu hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực bán hàng và phát triển sản phẩm số.

Chị Lại Thanh Phương, Giám đốc HTX Tây Bắc Eco, đề xuất thành lập nhóm kết nối giữa các HTX và đơn vị cung cấp dịch vụ địa phương, chia sẻ nhu cầu về bao bì, truyền thông, phân phối… Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả hợp tác. Ngoài ra, chị Hà Thị Thảo, đại diện Tổ hợp tác Dệt sợi bông bản Khảo, mong muốn có thêm lớp đào tạo trực tiếp tại địa phương, phù hợp thực tế để nhiều người được tham gia.

Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc trong đào tạo, cố vấn, góp phần hình thành mối liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp - cộng đồng, tạo nền tảng cộng đồng kinh doanh bền vững, sáng tạo.

Từ những hiệu quả ban đầu, tiểu dự án kỳ vọng lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến nhiều địa phương, giúp nhân dân, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực và hội nhập kinh tế số bền vững.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới