Cây chè có mặt trên cao nguyên Mộc Châu từ lâu và bắt đầu trồng tập trung từ những năm 1958 do các Nông trường quân đội trồng và phát triển. Hơn 60 năm cây chè bén rễ, ươm mầm trải rộng khắp cao nguyên, khẳng định vị thế, trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở nơi đây.
Cây trồng truyền thống
Cao nguyên Mộc Châu nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, thích hợp cho cây chè sinh trưởng, phát triển và tạo ra những sản phẩm chè đặc trưng. Hiện nay, Mộc Châu có quần thể 57 cây chè Shan tuyết cổ thụ từ 100-200 năm tuổi, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào cuối năm 2023. Những cây chè di sản nơi đây có đường kính trung bình từ 25-40 cm, cao từ 3-5m, được xác định là nguồn giống cây mẹ để phát triển vùng chè Shan tuyết trong tương lai. Quần thể chè Shan tuyết cổ thụ đang được Công ty cổ phần chè Cờ Đỏ Mộc Châu quản lý.
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở Mộc Châu, diện tích chè trồng tập trung toàn huyện hiện có gần 2.150 ha, sản lượng đạt trên 25.500 tấn/năm, với nhiều giống chè năng suất, chất lượng cao; toàn huyện có trên 23 cơ sở chế biến chè của các doanh nghiệp, HTX. Vinatea Mộc Châu tiền thân là nông trường Quân đội, đơn vị sản xuất chè chủ lực và thành lập sớm nhất tại Sơn La. Vinatea Mộc Châu hiện có trên 550 ha chè nguyên liệu, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt trên 10.000 tấn, sản xuất 2.300 tấn chè thành phẩm.
Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, chia sẻ: Công ty đã cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm cho hơn 1.900 hộ trồng chè. Đầu năm 2022, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu, với tổng diện tích hơn 329 ha.
Ở xã biên giới Chiềng Sơn, người dân nơi đây đã khai thác hiệu quả những ưu thế về đất đai, khí hậu để phát triển cây chè trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có gần 340 ha chè, phần lớn diện tích được Công ty cổ phần chè Chiềng Ve liên kết sản xuất với các hộ dân; sản lượng chè búp tươi đạt gần 5.000 tấn/năm, bình quân thu nhập 70 triệu đồng/ha/năm.
Thực tế đã minh chứng, cây chè góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế và xã hội, giúp cho hàng nghìn hộ nông dân có thu nhập ổn định. Tuy nhiên, trải qua nhiều thay đổi về công tác quản lý, quy hoạch vùng nguyên liệu, liên kết, giao khoán đất gắn với vườn chè, việc phát triển cây chè trên địa bàn đang bộc lộ những bất cập, cần được quan tâm giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, diện tích chè đặc sản, chè sản xuất theo hướng hữu cơ còn khiêm tốn; thương hiệu chưa đủ mạnh, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè đặc sản còn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế...
Nâng cao giá trị của cây chè
Ngày 30/12/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trong đó có Mộc Châu là một trong những vùng được định hướng phát triển cây chè. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy, chính quyền, các doanh nghiệp, HTX trồng, chế biến chè đang triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, để cây chè phát triển bền vững.
Huyện Mộc Châu đã định hướng phát triển cây chè theo từng khu vực, từng xã, từng vùng đất, để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Chỉ đạo khảo sát xác định các vùng trồng chè thành vùng chè đặc sản và xây dựng các vùng chè hữu cơ. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè tiếp tục nghiên cứu, đầu tư dây chuyền chế biến sâu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu “Trà Mộc Châu được trồng trên cao nguyên 1.050 mét”. Đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu chè Shan tuyết Mộc Châu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Thái Lan và nhãn hiệu chứng nhận chè Olong Mộc Châu. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến chè tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch. Tiếp tục triển khai quy hoạch, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao thu nhập cho hộ trồng chè và hỗ trợ xây dựng vùng chè gắn với du lịch.
Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, Công ty cổ phần chè Chiềng Ve, xã Chiềng Sơn, đã tổ chức lại sản xuất, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh thâm canh; hiện nay, Công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu hơn 300 ha để phục vụ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc Công ty, cho biết: Doanh nghiệp đã chủ động ứng trước phân bón cho người trồng chè; khuyến khích các hộ tận dụng các phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi vào sản xuất, nhằm hạ giá thành. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật để người trồng chè tăng năng suất, chất lượng đảm bảo đời sống cho công nhân lao động và các hộ trồng chè.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và thương hiệu chè công nghệ cao, Vinatea Mộc Châu được tỉnh Sơn La trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án nhà máy chế biến chè Mộc Châu - Tổng Công ty Chè Việt Nam, với quy mô 2,5 ha, công suất 125 tấn chè tươi/ngày, tổng vốn đăng ký 85 tỷ đồng. Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, thông tin thêm: Hiện nay, đơn vị đang tập trung hoàn thành thiết kế chi tiết nhà máy, dự kiến tổ chức khởi công vào cuối năm nay. Việc đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu, dây chuyền khép kín, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu “Chè Mộc Châu”.
Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu và các doanh nghiệp sản xuất chè đang tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch. Hiện nay, trên địa bàn đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của Công ty TNHH chè Mộc Sương... Cùng với đó, Mộc Châu đã xây dựng quy hoạch để bảo tồn các khu đồng cỏ, đồi chè để phục vụ du lịch.
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp tạo động lực để nâng cao năng suất, giá trị của cây chè, đưa thương hiệu “Chè Mộc Châu” vươn xa ra thị trường thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!