Đồng hành với nông dân giảm nghèo bền vững

Với phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có tổ chức hội”, những năm qua, Hội Nông dân huyện Bắc Yên thực sự là điểm tựa, giúp nhiều hội viên nông dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Nông dân bản Chẹn, xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên trồng cây dâu tây.

Hằng năm, Hội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở hội tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của nhà nước về khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng các mô hình, hỗ trợ vốn vay, tập huấn kỹ thuật và dạy nghề cho nông dân. Đến nay, đã chỉ đạo thành lập 3 chi hội nông dân nghề nghiệp, với 64 thành viên; 57 tổ hội nông dân nghề nghiệp, hơn 400 thành viên hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, trồng trọt, chăn nuôi.

Ông Thào A Chư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Yên, cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tích cực lao động, sản xuất, Hội triển khai các chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, giống, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, hội viên từng bước đổi mới tư duy, biết quản lý và sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Nhiều hộ nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, đầu tư vốn, đưa cây, con giống mới có năng suất chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu dịch bệnh vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế hiệu quả.

Năm 2023, Hội Nông dân huyện Bắc Yên đã nhận ủy thác trên 100 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện hơn 2.000 hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn “Quỹ hỗ trợ hội nông dân” triển khai 17 dự án cho 118 hội viên vay vốn với tổng số tiền gần 4,9 tỷ đồng mua cây, con giống, máy móc, xây dựng chuồng trại và đầu tư kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể của huyện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức cho hội viên thăm các mô hình phát triển kinh tế ở các huyện trong và ngoài tỉnh, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo.

Chị Lừ Thị Diễn, bản Chẹn, xã Mường Khoa, cho biết: Sau khi tham quan mô hình trồng dâu tây tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, năm 2022, gia đình tôi chuyển đổi 6.000m2 trồng cây kém hiệu quả sang trồng dâu tây; trừ chi phí, gia đình có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi trồng 1 ha dâu tây, đầu tư hơn 50 triệu đồng làm màng phủ, hệ thống tưới ẩm. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình thu hơn 20 kg quả, với giá bán 200.000 đồng/kg giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã tạo sức lan tỏa, vận động nông dân tương trợ, giúp đỡ nhau tại cộng đồng về vật tư, cây, con giống, vốn, khoa học kỹ thuật. Đến nay, huyện có 1.631 hội viên đạt tiêu chí hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Điển hình là hội viên Đặng Văn Đại, bản En, xã Phiêng Côn, đầu tư sản xuất nông sản, trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Ông Đại chia sẻ: Hiện nay, gia đình đầu tư nuôi 45 con bò, trồng 2,5 ha cỏ voi và hơn 1 ha cây ăn quả. Đồng thời, đầu tư 1 nhà xưởng, 2 xe ô tô tải, mỗi năm thu mua 3.000 tấn nông sản cho nhân dân, giải quyết việc làm thường xuyên 5 lao động địa phương với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, tôi còn cho các hội viên trong xã vay hơn 500 triệu đồng làm vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Với những việc làm thiết thực của Hội Nông dân các cấp trong huyện, cùng tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của các hội viên, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới