Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp

Huyện đoàn Mường La hiện có 29 cơ sở đoàn với 11.375 đoàn viên, thanh niên. Phát huy vai trò của tổ chức đoàn "Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp", Huyện đoàn Mường La đã định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động, sáng tạo, đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

ĐVTN xã Mường Trai tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ.

Anh Hoàng Văn Thái, Bí thư Huyện đoàn Mường La, cho biết: Những năm qua, Huyện đoàn đã phát động đoàn viên thanh niên xung kích, sáng tạo trong lao động, sản xuất, hỗ trợ thanh niên thực hiện các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trồng trọt, chăn nuôi và tạo điều kiện cho thanh niên đoàn viên tham gia các lớp hội thảo, tập huấn trong và ngoài tỉnh.

Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn đã định hướng, hỗ trợ đoàn viên, thanh niên triển khai các mô hình kinh tế phù hợp; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Hỗ trợ đoàn viên, thanh niên, người dân trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện đoàn còn thành lập Đội hình trí thức trẻ tình nguyện tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm và kỹ thuật trồng trọt cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn. Từ năm 2022 đến nay, các cơ sở đoàn của huyện đã tổ chức 18 lượt tư vấn hướng nghiệp cho trên 4.500 lượt thanh thiếu niên; phối hợp giới thiệu việc làm cho trên 1.000 thanh niên.

Mô hình chăn nuôi của thanh niên Lù Văn Niên, bản Cang Phiêng, xã Pi Toong. 

Các cơ sở đoàn phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất. Đến nay, số dư nợ ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do tổ chức đoàn quản lý trong toàn huyện đạt hơn 124,4 tỷ đồng, với tổng số trên 3.000 hộ vay vốn.

Từ nguồn vốn vay, nhiều đoàn viên, thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Tiêu biểu, như: Thanh niên Lò Văn Đức, ở bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai, với mô hình nuôi cá lồng, chăn nuôi gia súc có nguồn thu nhập ổn định. Anh Đức chia sẻ: Tận dụng lợi thế địa phương có lòng hồ thủy điện, gia đình tôi đã đầu tư 2 lồng cá, nuôi chủ yếu cá trắm, chép, rô. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2022, được Đoàn xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn “Vì tương lai xanh” tôi đã vay 100 triệu đồng, đầu tư lên 6 lồng cá. Tôi áp dụng kiến thức, kỹ thuật sản xuất từ tham gia các lớp tập huấn vào chăm sóc, phòng bệnh cho cá, nhờ đó, mô hình phát triển tốt. Ngoài ra, tôi còn chăn nuôi thêm 4 con bò sinh sản... tổng thu nhập sau khi trừ chi phí còn khoảng 60 triệu đồng/năm, cuộc sống gia đình ngày một cải thiện.

Đoàn xã Mường Trai hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch trên lòng hồ cho ĐVTN. 

Cũng được Huyện đoàn  tiếp sức, đầu năm 2023, anh Nguyễn Huy Hoàng, tiểu khu 1, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, đã mạnh dạn lập nghiệp với mô hình nuôi lợn, gà. Được hỗ trợ về nguồn vốn 100 triệu đồng, thông qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh Hoàng đã sửa chữa chuồng trại, đầu tư con giống với 30 con lợn, 200 con gà. Sau 5 tháng, mô hình của anh Hoàng đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã khẳng định vai trò của tổ chức đoàn, giúp đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng. Phát huy những kết quả đạt được, Huyện đoàn tiếp tục hỗ trợ, giúp ĐVTN tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng, quảng bá tiêu thụ sản phẩm…, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới