Từ năm 2018 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương đã phối hợp với Đoàn xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, xây dựng mô hình “Ngân hàng dê” bằng hình thức hỗ trợ nuôi dê rẽ sinh sản, góp phần hỗ trợ các hộ gia đình đoàn viên, thanh niên nghèo trên địa bàn.
Trung tá Mùa Láo Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, chia sẻ: Chiềng Khương có 4 dân tộc Kinh, Thái, Xinh Mun và Khơ Mú cùng sinh sống. Ở các bản vùng cao giao thông đi lại khó khăn. Do vậy, để tiếp cận với những kiến thức khoa học hay kết nối giao thương hàng hóa còn hạn chế. Đoàn xã và chi đoàn đã phối hợp tham mưu với cấp ủy hai đơn vị xây dựng mô hình “Ngân hàng dê”. Đến nay, mô hình đã bước vào năm thứ 6 và mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ được nhiều gia đình ĐVTN vùng biên giới có việc làm và nguồn thu nhập ổn định.
Xây dựng “Ngân hàng dê”, ban đầu đoàn viên của chi đoàn và Đoàn xã đã tự nguyện đóng góp để mua 8 con dê giống giao cho 2 hộ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn luân phiên nuôi rẽ. Theo tính toán, nuôi 3-5 con dê mẹ trong 1 năm có thể sinh 2-3 lứa, mỗi lứa 1-2 con, một hộ sẽ có khoảng 10 con dê/năm, sau khi trả lại dê bố mẹ cho “Ngân hàng dê” mỗi năm sẽ có từ 6-10 con dê. Bình quân dê trưởng thành có trọng lượng khoảng 35 kg, giá bán dê thịt từ 140-155 nghìn đồng/kg, dê giống khoảng 5 triệu đồng/con, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình đoàn viên Cầm Văn Thảo, bản Bó, xã Chiềng Khương, có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2018, gia đình anh được “Ngân hàng dê” cho nuôi rẽ, đến nay đã phát triển hơn 40 con, cuộc sống đã ổn định hơn, đảm bảo cho con ăn học chu đáo.
Còn gia đình anh Lò Văn Khoản, bản Híp, cũng có hoàn cảnh khó khăn và được tiếp nhận “Ngân hàng dê” từ năm 2022. Đến nay, đàn dê của gia đình đã phát triển được 13 con và đang chuẩn bị sinh sản. Ngoài ra, còn mua cá giống thả ao, mua gà về nuôi và sản xuất cây nhãn giống... Gia đình anh đang vươn lên thoát nghèo.
Sau 5 năm thực hiện mô hình “Ngân hàng dê”, từ 8 con dê bố mẹ ban đầu chuyển cho 2 hộ nuôi, đến nay đã 8 hộ ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Chiềng Khương được tiếp nhận “Ngân hàng dê”, tổng đàn dê đã nhân lên hơn 100 con.
Mô hình “Ngân hàng dê” đang được một số hộ gia đình ở địa phương khác học tập làm theo. Trong đó có gia đình anh Quàng Văn Đôi, bản Núa Chò, xã Pi Tong, huyện Mường La. Năm 2019, anh đến thăm người thân tại xã Chiềng Khương và biết được mô hình nuôi dê này, anh đã tham khảo hình thức và học tập kinh nghiệm. Anh mua một số con dê giống của gia đình đoàn viên tại xã Chiềng Khương về nuôi, đến nay đàn dê đã phát triển lên hơn 30 con.
Từ hiệu quả của mô hình “Ngân hàng dê”, 2 đơn vị đoàn đang tiếp tục phát triển các mô hình khác, như hướng dẫn cách trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả cho các gia đình ĐVTN nghèo; hỗ trợ nguồn vốn sản xuất; chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình... Riêng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chiềng Khương còn triển khai phong trào “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; “Trao bò giống cho người nghèo nơi biên giới”; “Xây dựng nông thôn mới”... góp phần ổn định, nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!