Mận hậu bản Dầu, xã Chiềng Cọ nói riêng và Thành phố nói chung từ lâu đã nổi tiếng ngon, giòn, nhiều nước, dóc hạt, có vị ngọt đặc trưng. Những ngày này, khắp các vườn mận của bản Dầu, nhân dân đang khẩn trương thu hái bán cho các thương lái và chợ.
Bản Dầu cách Trung tâm xã Chiềng Cọ gần 7 km. Những cây mận hậu được nhân dân trong bản đưa về trồng từ những năm 1990. Đến nay, cả bản đều trồng mận, nhà nào ít thì vài nghìn m2, nhiều thì vài ha, với tổng diện tích gần 70 ha.
Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã lựa chọn bản Dầu triển khai thí điểm mô hình trồng mận hậu VietGAP, hữu cơ; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, tạo ra những trái mận hậu chín sớm, rải vụ, quả to được thương lái khắp nơi tìm mua.
Tiên phong là ông Lèo Văn Chaư, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Dầu cùng với 11 hộ trong bản đã tham gia thí điểm mô hình thâm canh, cải tạo giống mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, với quy mô 5 ha.
Ông Lèo Văn Chaư chia sẻ: Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành, tạo tán; khi cây mận ra quả, thì tỉa đi 30-50% số lượng quả. Nhờ áp dụng, tuân thủ đúng kỹ thuật, vườn mận của gia đình cho thu hoạch quả to, mẫu mã đẹp; năm nay, dự kiến sẽ thu được hơn 3 tấn quả. Năm nay, gia đình còn thực hiện kỹ thuật thâm canh mận chín sớm, rải vụ, bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 1, với sản lượng hơn 1 tấn, bán với giá từ 50-100 nghìn đồng/kg, có thời điểm được 300 nghìn đồng/kg.
Theo tuyến đường bê tông kiên cố, vào trong bản thăm vườn mận hậu của gia đình bà Lèo Thị Biên, cây nào cũng trĩu quả đang vào độ chín rộ. Bà Biên phấn khởi nói: Trước đây, gia đình để cây mận phát triển tự nhiên, cho năng suất cao, nhưng quả nhỏ, mẫu mã không đẹp, bán giá không cao. Năm 2022, gia đình tham gia mô hình trồng mận VietGAP và thực hiện tỉa cành, tạo tán nên quả mận to đều hơn, cho sản lượng đạt trên 20 tấn, bán với giá từ 10-15 nghìn đồng/kg, cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Tại các điểm thu mua mận hậu trong bản, 8 giờ sáng, nhân dân chở mận đến xếp hàng chờ bán. Chị Lèo Thị Biên, cho biết: Mỗi ngày, tôi thu mua gần 10 tấn mận cho thương lái chở đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Giá mận năm nay cao hơn so mọi năm, với giá từ 7.000 - 15.000 đồng/kg mận xô, mận chọn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Toàn xã có hơn 450 ha mận hậu, sản lượng trên 6.630 tấn/năm, giá trị đạt 53 tỷ đồng. Năm 2022, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng mô hình trồng mận hậu theo quy trình VietGAP, tại bản Dầu. Qua một năm triển khai, cho hiệu quả rõ rệt, cho năng suất, chất lượng quả cao, việc tiêu thụ cũng thuận lợi và đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho nhân dân trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong những năm tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn xã, mang lại hiệu quả cao bà con.
Cây mận hậu bén rễ trên đất Thành phố từ những năm 1990. Đến nay, toàn Thành phố có gần 2.500 ha mận, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần và phường Chiềng An.
Chị Vũ Thị Minh Châu, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Thành phố, cho biết: Từ thành công bước đầu mô hình trồng mận VietGAP, hữu cơ và áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán điều chỉnh mận chín sớm, giải vụ tại bản Dầu, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn các hộ cắt tỉa, tạo tán, nâng cao chất lượng mận hậu trên địa bàn, hướng tới xây dựng thương hiệu mận hậu Thành phố.
Với tiềm năng, lợi thế và định hướng cụ thể, cây mận hậu ở bản Dầu nói chung và Thành phố nói riêng đang từng bước khẳng định chất lượng và ngày càng được nhiều khách hàng trên cả nước biết đến.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!