Chủ động các điều kiện phục vụ thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản

Thuận Châu là một trong những địa phương sản xuất nông nghiệp phát triển của tỉnh. Hiện nay, huyện đang chuẩn bị các điều kiện phục vụ thu hoạch, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại thị trường trong và xuất khẩu.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu kiểm tra vùng trồng thanh long ruột đỏ ở xã Chiềng Pha.

Với 153.873 ha đất tự nhiên, trong đó 50.427,1 ha đất sản xuất nông nghiệp, huyện có thể sản xuất nhiều loại nông sản, như: Lúa, ngô, khoai sọ, chè, cà phê, mắc ca, xoài, nhãn, chanh leo... Các loại nông sản này đều có sản lượng cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Huyện đang có trên 4.300 ha cây ăn quả các loại, sản lượng hơn 21.000 tấn/năm. Năm 2022, huyện đã xuất khẩu hơn 200 tấn quả xoài sang thị trường Trung Quốc; 120 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga, Anh, Pháp; 1.560 tấn chè sang Đài Loan, Trung Quốc...; 3.720 tấn cà phê nhân sang thị trường châu Âu.

Xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo tăng cường giám sát đối với diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng của các doanh nghiệp, HTX. Tiếp tục xây dựng, cấp các mã vùng trồng mới; đề xuất với các sở, ngành tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ nông sản, thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng và duy trì các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản an toàn bền vững; hỗ trợ thu gom, sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản tiêu thụ, xuất khẩu.

Hiện nay, huyện đang triển khai sản xuất 400 ha chè, bưởi, chanh leo, xoài, nhãn... theo hướng hữu cơ; duy trì 27 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn; 1 chuỗi mật ong được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Có 5 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Cà phê Sơn La, chè Phổng Lái, khoai sọ Thuận Châu, sơn tra Sơn La, cá Sông Đà. Có 8 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch Pha Đin TOP, trà Ôlong Thu Đan, cá rô phile sông Đà, cá trắm hun khói Chiềng La, chè Trọng Nguyên, mật ong Phổng Lái Thuận Châu, Coffee Arabica Minh Trí, thịt hun khói Hương Đồi.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Năm 2023, huyện phấn đấu tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông sản đạt trên 280 tỷ  đồng. Huyện đã triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại, thương mại điện tử năm 2023; phối hợp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của huyện. Duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi. Mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU... tập trung cho nhóm các sản phẩm nông sản chế biến. Phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan cập nhật, cung cấp các thông tin dự báo thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Những năm gần đây, xã Chiềng Pha đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày, năng suất thấp sang trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao. Hiện nay, xã có trên 130 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, bưởi... Bà Cà Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các cơ sở cung cấp cây giống chất lượng cung cấp giống và tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ cho các HTX và nông dân.

Nâng cao năng lực đơn vị thu gom và tổ chức xuất khẩu, huyện đã đề xuất, đăng ký với các sở, ngành tập huấn nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh, như nghiên cứu, tiếp cận thị trường; các quy định thương mại quốc tế; phát triển thương hiệu sản phẩm Sơn La; kỹ thuật sơ chế, bảo quản, đóng gói, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm; ký kết và thực hiện biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế cho các doanh nghiệp, HTX, người lao động. Đồng thời, hình thành và phát triển các đơn vị thu gom có đủ năng lực bao tiêu và ký kết với đơn vị chế biến, xuất khẩu. Tạo môi trường thuận lợi và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để các nhà máy chế biến nông sản đã đầu tư trên địa bàn huyện ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp trên địa bàn; thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các cụm công nghiệp Tông Cọ, Phổng Lái theo quy hoạch của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm tham gia xuất khẩu. Hỗ trợ các HTX, cá nhân đầu tư, phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến vừa và nhỏ có công suất, công nghệ sơ chế, chế biến phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nâng cao chất lượng nông sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đảm bảo nguồn kinh phí, chỉ đạo giải ngân kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, góp phần mang lại lợi ích, thu nhập cho nhân dân, doanh nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới