Chiềng Phung nỗ lực phát triển kinh tế

Cách trung tâm huyện 40km, Chiềng Phung là xã vùng sâu của huyện Sông Mã. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đất sản xuất chủ yếu là đất dốc, bạc màu, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 45%. Giúp nhân dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao thu nhập cho nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giọng nữ
Nhân dân bản Chiềng Vàng, xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã làm đất trồng cây vụ hè thu.

Trước đây, trồng ngô là nguồn thu nhập chính của gia đình anh Lường Văn Ngoan, bản Pịn, xã Chiềng Phung, nhưng thu nhập không cao. Được xã tuyên truyền, gia đình anh đã chuyển sang trồng sắn và trồng 1 ha cây ăn quả. Anh Ngoan cho biết: Gia đình tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Mỗi năm, gia đình thu 30 tấn sắn và 1,5 tấn quả nhãn, xoài. Ngoài ra, còn kinh doanh hàng tạp hóa và xe tải vận chuyển vật liệu. Tổng thu nhập mỗi năm từ 150 - 200 triệu đồng.

Cùng với gia đình anh Ngoan, toàn xã Chiềng Phung đang có 843 hộ dân được vay vốn phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng trên địa bàn huyện, tổng dư nợ hơn 43 tỷ đồng. Xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhân dân. Từ nguồn vốn của các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới do Nhà nước hỗ trợ, xã đã xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để nhân rộng và làm thay đổi tập quán sản xuất, giúp bà con sản xuất hiệu quả.

Từ năm 2023 đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng 23 ha nhãn, gần 30 ha cà phê và 50 ha quế. Hằng năm, nông dân còn canh tác 170 ha lúa ruộng 2 vụ, hơn 100 ha lúa nương, gần 300 ha sắn và 48 ha rau đậu các loại. Duy trì chăn nuôi hơn 7.800 con gia súc và trên 45.000 con gia cầm. Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả, như mô hình trồng xoài tại bản Củ Bú; chăn nuôi bò tại bản Pịn, Sàng Lay… Vào vụ thu đông, bà con còn trồng 5 ha tỏi để tăng thu nhập. Hợp đất, hợp khí hậu, tỏi phát triển tốt, được các thương lái thu mua  toàn bộ sản phẩm. Năm 2024, cây tỏi được xã lựa chọn để xây dựng thành sản phẩm OCOP của xã.

Bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, từ năm 2023 đến nay, xã đã được xây dựng 13 công trình, gồm cầu treo, cầu cứng, nhà văn hóa bản, cổng chào bản, đường giao thông nông thôn. Riêng bản Chiềng Vàng đã vận động nhân dân nâng cấp, mở mới 1,5 km đường nội đồng. Các bản thường xuyên dọn vệ sinh, quản lý và khai thác sử dụng các công trình cộng đồng hiệu quả.

Vừa qua, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 2, từ ngày 24 - 30/7, trên địa bàn xã đã xảy ra mưa to, lũ quét khiến gần 67 ha lúa ruộng, lúa nương, 15 ha ngô, sắn, 10 ha ao cá bị vùi lấp, cuốn trôi hoàn toàn... Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã đang chỉ đạo các bản vận động nhân dân khơi thông dòng chảy và khôi phục diện tích lúa bị ảnh hưởng do ngập úng. Đối với diện tích lúa không khôi phục, xã dự kiến sẽ huy động máy xúc để dọn đất đá, cải tạo ruộng. Diện tích ao cá bị thiệt hại, vận động các hộ xử lý nước trong ao, đảm bảo mới thả lại cá. Đồng thời, rà soát, thống kê các hộ dân bị thiệt hại để đề nghị UBND huyện có phương án hỗ trợ.

Chính quyền và nhân dân xã Chiềng Phung đã và đang triển khai nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế. Trong quá trình đó, xã rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành hỗ trợ vốn, giống và kỹ thuật cho bà con để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; kết nối với các đơn vị uy tín để liên kết sản xuất theo hướng bền vững, ổn định… từng bước giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới