Cầu nối khoa học kỹ thuật với nông dân

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp đã thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình khuyến nông, xây dựng các chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Ông Tòng Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Đồng hành với nhân dân trong phát triển sản xuất, Trung tâm phân công cán bộ phụ trách các xã, nắm bắt tình hình, tư vấn, hướng dẫn và triển khai kỹ thuật sản xuất phù hợp với nhu cầu của bà con. Đồng thời, tổ chức điều tra, dự tính, dự báo sinh vật hại cây trồng nhằm phát hiện kịp thời diện tích cây trồng bị nhiễm sâu, bệnh hại và hướng dẫn các hộ dân phòng trừ sâu bệnh hại an toàn, hiệu quả.

Thành viên HTX Nông nghiệp Duy Lợi, bản Nà Mòn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, trao đổi cách nhân giống cam Nà Mòn với nhân dân. Ảnh: Trường Sơn.

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 60 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 2.400 lượt người, với các nội dung: Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; ươm cây giống các loại; ủ phân hữu cơ, ủ ướp thức ăn cho gia súc, các biện pháp phòng dịch bệnh và phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”... Đồng thời, tư vấn cho nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Đến nay, một số sản phẩm được các xã lựa chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện, tỉnh, như: Cam Nà Mòn, gạo nếp tan Mường Và, quả sa nhân tím, mật ong Nậm Lạnh, khoai sọ Sam Kha... Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt hơn 28 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các công ty, HTX, đơn vị xây dựng 38 chương trình, mô hình khuyến nông cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn từ nguồn ngân sách huyện, ngân sách tỉnh, như: Sản xuất xoài ghép theo quy trình VietGAP, trồng dứa Queen, trồng cây dược liệu... Đến nay, toàn huyện có trên 2.170  ha cây ăn quả, trong đó hơn 1.800 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 2.700 tấn quả/năm; duy trì 12 chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Trên địa bàn huyện có 24 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các hộ dân.

Lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân xã Nậm Lạnh. Ảnh: Trường Sơn.

Thời điểm này, đến xã Nậm Lạnh, nhiều hộ dân đang bước vào đợt chăm sóc, bón thúc nuôi quả và phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây ăn quả có múi. Anh Tòng Văn Tiến, bản Phổng, chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi đầu tư trồng hơn 1,3 ha cam đường canh, quýt chum, xoài ghép, bưởi da xanh. Trong quá trình sản xuất được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và HTX Toản Duyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau 4 năm trồng, vụ đầu tiên thu hoạch được 4 tấn quả, trừ chi phí thu hơn 60 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm thu hoạch trên 13 tấn quả các loại, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng.

Hiện nay, huyện Sốp Cộp có hơn 32 nghìn con trâu, bò, ngựa; 4.200 con dê; 20 nghìn con lợn và trên 300 nghìn con gia cầm. Bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, Trung tâm đã triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh, nhất là phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò; chống nắng nóng cho vật nuôi vào mùa hè, đói rét và mùa đông. Từ đầu năm đến nay, đã tiêm 24.625 liều vắc xin phòng các bệnh cho đàn vật nuôi.

Anh Lò Văn Tỉnh, bàn Nà Khoang, xã Mường Và, cho biết: Gia đình nuôi 15 con trâu, bò sinh sản. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, gia đình đã tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, phun tiêu độc khử trùng 2 lần/tháng và ủ chất thải theo kỹ thuật đã được tập huấn.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiêm vắc xin phòng bệnh cho bò tại xã Sốp Cộp. Ảnh: Trường Sơn.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sốp Cộp tiếp tục đổi mới phương pháp, nội dung các lớp tập huấn. Duy trì và nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất cam, lúa đặc sản, cây dược liệu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tư vấn, hướng dẫn bà con chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới