Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chè là một trong những nông sản có nhiều điều kiện để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ. (Ảnh VĂN THƯƠNG)
Chè là một trong những nông sản có nhiều điều kiện để đẩy mạnh sản xuất hữu cơ. (Ảnh VĂN THƯƠNG)

Bài 1: Khát vọng nông nghiệp xanh

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ và Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ, năm 2000 thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới chỉ đạt 18 tỷ USD, đến năm 2018, doanh thu đã vượt mốc 100 tỷ USD; năm 2021 tăng mạnh lên 188 tỷ USD, và năm 2022 ước đạt 208 tỷ USD. Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, tăng trưởng chủ yếu đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á.

Là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều tiềm năng xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt hơn 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

Từ cánh đồng, trang trại nhỏ…

Ông Nguyễn Chánh Tài, sinh năm 1967, ngụ ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có 11ha trồng lúa và 4ha vườn trồng nhiều loại cây ăn quả. Tất cả diện tích trồng lúa và cây ăn quả đều được canh tác hữu cơ. Ông cho biết: "Áp dụng canh tác hữu cơ, năng suất thường thấp hơn so với canh tác lúa bình thường nhưng chất lượng lại cao hơn cả về độ ngon và sạch. Trước đây, diện tích canh tác lúa của gia đình được đưa vào thực hiện mô hình "Cánh đồng lý tưởng" cùng một số hộ dân khác với tổng diện tích 24ha. Nông dân tham gia mô hình này áp dụng sản xuất lúa hữu cơ và có liên kết sản xuất, tiêu thụ với doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp sẽ cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân, gồm các sản phẩm phân bón hữu cơ và thuốc sinh học; nông dân sản xuất theo quy trình doanh nghiệp đưa ra. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm của nông dân và cam kết lợi nhuận 20 triệu đồng/ha/vụ, trong khi các hộ sản xuất lúa hàng hóa bình thường chỉ đạt lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/ha/vụ".

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch "Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông sản sạch gắn liên kết tiêu thụ; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp". Qua đó, nhiều mô hình hữu cơ được triển khai và đạt kết quả khả quan. Cụ thể, mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn được thực hiện tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông với quy mô 10ha/8 hộ. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật sản xuất và chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trong từng giai đoạn sinh trưởng; được hỗ trợ vật tư nông nghiệp gồm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học… Sau khi thu hoạch lúa, lượng rơm trên đồng được thu lại bằng máy cuộn để sản xuất nấm rơm. Phần rơm, rạ còn lại trên đồng được xử lý bằng chế phẩm Trichodermaspp để phân hủy nhanh, trả lại dinh dưỡng cho đất và hạn chế ô nhiễm môi trường. Rơm sau khi sản xuất nấm được tái sử dụng để làm nguyên liệu ủ phân hữu cơ truyền thống, sau đó phân hữu cơ đã ủ hoai được bón trở lại cho ruộng lúa hoặc hoa màu, cây ăn trái. Một cách làm đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất cao như giảm được phân hóa học 40%, giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị của rơm, rạ và lợi nhuận cho nông dân trồng lúa trên đơn vị diện tích. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình lúa hữu cơ còn mang lại hiệu quả về môi trường nhờ sử dụng nấm Trichoderma LHC để phân hủy rơm, rạ; hạn chế phân, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó còn tạo ra hiệu quả xã hội khi tăng cơ hội việc làm và thu nhập cho nông dân.

Tại tỉnh Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của cả nước, nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ đã hình thành. Điển hình là trang trại Lan Chi, ở xã Lâm San, huyện Cẩm Mỹ. Trung bình mỗi tháng trại bán ra thị trường khoảng 500.000 con vịt giống. Giám đốc Công ty TNHH Lan Chi Lâm Thị Lan Chi cho biết: Nhờ mô hình nuôi vịt theo hướng hữu cơ không kháng sinh nên trang trại luôn bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng giống tốt cho khách hàng. Ưu điểm lớn nhất của việc không dùng kháng sinh là tỷ lệ vịt đẻ cao, phôi nhiều, con giống khỏe mạnh. Ngoài ra, hạn chế được rủi ro ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và tiết kiệm tiền mua vắc-xin phòng bệnh. Thay vì sử dụng kháng sinh, trang trại sử dụng các loại nguyên liệu tự nhiên, như: gừng, ớt, tỏi, quế ngâm chung với mật ong hoặc rượu tạo "thuốc" giúp vịt tăng sức đề kháng.

 

Với lợi thế nguồn nguyên liệu thức ăn phong phú, nhiều trang trại nuôi bò quy mô đã được xây dựng tại huyện Cẩm Mỹ. Trang trại chăn nuôi bò thịt Đồng Phát, ấp Cọ Dầu 2, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ có quy mô hơn 7.000 con. Từ năm 2018, việc chăn nuôi tại đây thực hiện theo hướng hữu cơ. Thức ăn của bò không phải là cám mà là phụ phẩm nông nghiệp, được kiểm tra kỹ lưỡng thành phần dinh dưỡng cũng như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Trại sử dụng men vi sinh để khử mùi hôi, dùng vôi bột khử trùng. Trang trại hoàn toàn khép kín, thức ăn theo công thức từng giai đoạn. Chất thải từ phân được ủ khô để bán lại cho các công ty làm nguyên liệu sản xuất phân bón. Theo Phó Giám đốc Công ty chăn nuôi Đồng Phát Nguyễn Văn Ngôn, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi bò hữu cơ là chất lượng thức ăn, nước uống đưa vào cơ thể bò và việc tạo môi trường sạch để hạn chế phát sinh vi khuẩn.

… đến những công ty vươn tầm quốc tế

Nhận định rõ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp Việt Nam và thế giới, không đứng ngoài cuộc, những năm qua Công ty cổ phần Vinamit đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Bùi Hồng Quân cho biết: Một nông trại của Vinamit organic có diện tích lên đến hơn 150ha. Với diện tích lớn như vậy, Vinamit organic có thể triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ mà không bị ảnh hưởng bởi các đơn vị chung quanh. Trang trại của Vinamit organic được bao tường cao 5m nhằm tạo ra một hệ sinh thái tự nhiên. Ngoài ra, Vinamit organic còn tự tạo dựng điều khiển tiểu khí hậu cho trang trại của mình. Điều này giúp hạn chế rất nhiều sâu bệnh gây hại - một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất trong phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nhiều nơi. Ngoài việc thực hành tốt nông nghiệp hữu cơ tại các trang trại, Vinamit organic còn tạo ra các dòng sản phẩm hữu cơ chế biến sâu. Hiện nay, các trang trại của Vinamit organic đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA (Mỹ) và Organic EU (Liên minh châu Âu). Ngoài ra, Vinamit cũng là một trong số hai đơn vị của Việt Nam đạt tiêu chuẩn China organic (Trung Quốc). Chính vì vậy, thương hiệu Vinamit organic đã được đón nhận không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở nhiều thị trường quốc tế. "Hiện nay, Vinamit organic đã và đang từng bước tiến sang một giai đoạn mới, giai đoạn nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao phát triển bền vững vì sự sống. Để làm được điều này chúng tôi tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, con người, nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật và công nghệ, các phát minh sáng chế. Ngoài ra, theo xu hướng chung của thế giới, các trang trại, nhà máy của Vinamit organic sẽ giảm phát thải khí nhà kính nhằm bảo vệ môi trường một cách bền vững, tiến tới một Vinamit organic không phát thải. Thực tế hiện nay ở Vinamit organic không còn nhắc đến nông nghiệp hữu cơ nữa bởi nó đã trở thành một công việc thường nhật, trở thành một phần máu thịt của chúng tôi" - Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Lâm Viên chia sẻ thêm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ trên phạm vi cả nước với hệ thống 14 công ty thành viên, trong đó có 8 nhà máy sản xuất phân bón đang hoạt động, trải đều trên khắp các vùng, một viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học và một công ty chuyên nhập khẩu, phân phối sản phẩm phân bón Quế Lâm tại thị trường Campuchia... Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Hồng Lam cho biết: Quế Lâm đã xây dựng thành công Tổ hợp 4F (Farm-Food-Feed-Fertilizer), trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra của ngành nông nghiệp. Nhờ kiên định xây dựng các mô hình liên kết, đến thời điểm này Quế Lâm đã ký kết hợp tác với gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hàng vạn hộ nông dân để trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà-phê, các giống lúa, lúa tôm... và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt hữu cơ.

(Còn nữa)

Theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản… Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới