Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các Đội quản lý thị trường trên địa bàn tích cực phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình ổn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã triển khai thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, BCĐ 389 Quốc gia và của tỉnh trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo các Đội QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo theo quy định của pháp luật, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; chủ động nắm vững diễn biến, tình hình thị trường, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý các hành vi về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật, sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...; đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở kinh doanh được chú trọng. Từ năm 2023 đến tháng 2/2024, Cục QLTT tỉnh đã tổ chức tuyên truyền đối với 1.722 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đăng 302 tin bài trên cổng thông tin điện tử của Cục QLTT tỉnh Sơn La và công thông tin điện tử của Tổng cục QLTT. Tiến hành kiểm tra 1.712 vụ, xử lý 1.386 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 5,2 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 1,8 tỷ đồng. Cục QLTT tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý 483 vụ, nộp ngân sách nhà nước hơn 2,5 tỷ đồng, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 1 hiện đang quản lý gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên 2 địa bàn Thành phố và Mường La. Ông Nguyễn Xuân Cường, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, cho biết: Địa bàn Đội quản lý có số lượng hộ buôn bán, kinh doanh cũng như khách hàng mua bán lớn nên công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đòi hỏi phải tập trung cao độ. Đội đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng và việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng… Từ năm 2023 đến nay, Đội đã kiểm tra 312 vụ, xử lý 259 vụ, với tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 1 tỷ đồng.
Tại Siêu thị WinMart VinCom Plaza Sơn La, là địa chỉ bán hàng tiêu dùng lớn nhất tỉnh. Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc Siêu thị WinMart Sơn La, cho biết: Đơn vị luôn cam kết bình ổn giá, đảm bảo cung cấp hàng hóa đạt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không để xảy ra tình trạng hàng kém chất lượng và tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Còn tại cửa hàng thuốc Long Châu, tại đường Chu Văn Thịnh, phường Tô Hiệu, Thành phố, chị Đặng Thị Thu Hòa, chủ cửa hàng, chia sẻ: Là đơn vị kinh doanh thuốc đã có thương hiệu trên toàn quốc với hơn 1.600 cửa hàng, chúng tôi luôn cam kết bán hàng theo giá niêm yết, không tăng giá bất hợp lý; niêm yết công khai Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dược; không tiếp tay cho những hành vi vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lực lượng QLTT còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng, lực lượng mỏng, giao thông đi lại ở các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hơn nữa, gian lận trong thương mại điện tử hiện nay rất khó kiểm soát; đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những chiêu trò gian lận thương mại khi mua hàng qua mạng. Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok…, bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) để đăng bán hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Trao đổi về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Cục sẽ tập trung triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh số hóa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đảm bảo có trọng tâm, hiệu lực, hiệu quả.
Cùng với đó, Cục QLTT tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bổ sung trang thiết bị nghiệp vụ cho các lực lượng thực thi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh, xử lý các đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Cục QLTT tỉnh và lực lượng chức năng, các doanh nghiệp cần liên doanh, liên kết, chống lại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần có biện pháp tuyên truyền giới thiệu về sản phẩm, có hệ thống nhận diện thương hiệu, bao bì chất lượng cao, có tem chống hàng giả, hàng nhái để kịp thời xử lý, tránh để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như quyền lợi của khách hàng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!