Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã tham mưu ban hành kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo thành lập tổ công tác về thương mại điện tử của Cục QLTT để nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát đôn đốc việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử của các tổ chức cá nhân kinh doanh trên môi trường mạng.
Các đội QLTT chủ động thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng, các hình thức kinh doanh trong thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội (zalo, facebook…) sử dụng các thiết bị công nghệ di động. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị chuyển phát, vận chuyển hàng hóa, xây dựng phương án kiểm tra đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan rà soát thẩm tra, xác minh, kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia trong kinh doanh thương mại, điện tử.
Từ năm 2022 đến tháng 3/2024, Cục QLTT tỉnh đã thực hiện kiểm tra và xử lý đối với 23 cơ sở kinh doanh thương mại điện tử, tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước 336 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy hơn 253,2 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về lợi dụng mạng xã hội kinh doanh hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các mặt hàng thời trang; phụ kiện, thiết bị điện tử, hàng mỹ phẩm; thực phẩm chức năng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không hóa đơn, chứng từ, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Qua theo dõi việc bán hàng trên mạng xã hội phát hiện tài khoản Facebook mang tên: Tuan Hang Computer có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa nhập lậu, ngày 18/4/2023, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Công ty TNHH Tin học Tuấn Hằng, có địa chỉ tại số 537, đường Lê Duẩn, tổ 2, phường Chiềng Sinh, Thành phố. Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang bày bán 2 chiếc máy vi tính xách tay do nước ngoài sản xuất, người đại diện của công ty không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định. Đoàn kiểm tra xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa nhập lậu, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm với tổng số tiền 60 triệu đồng.
Trong quá trình phát hiện xử lý trong hoạt động gian lận thương mại điện tử còn gặp nhiều khó khăn, các hoạt động vận chuyển (chuyển phát nhanh, ship hàng thu tiền hộ) đang thiếu quy định cụ thể về chế định, chế tài xử lý về hoạt động bưu chính viễn thông. Gian lận trong thương mại điện tử khó kiểm soát; các đối tượng đã có thể bán trên nhiều kênh khác nhau trên các nền tảng như: Các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok..., bán hàng theo hình thức livestream (trực tiếp) hoặc đăng bán.
Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Các đối tượng lợi dụng hiểu biết hạn chế và tâm lý thích hàng ngoại, hàng giá rẻ của một bộ phận người dân để lừa bán các loại hàng hóa chưa được cấp phép lưu hành, hoặc nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Trao đổi về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Viết Thông, Phó cục trưởng Cục QLTT tỉnh, cho biết: Cục tiếp tục rà soát để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hoạt động thương mại điện tử và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Cục QLTT tỉnh và lực lượng chức năng, chủ sở hữu của các nhãn hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng cung cấp thông tin kịp thời để ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử; tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển theo chiều hướng tích cực.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!