Sản phẩm chè Tà Xùa của huyện Bắc Yên vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Tà Xùa Bắc Yên”. Đây là cơ sở giúp địa phương bảo vệ được danh tiếng, uy tín chất lượng của sản phẩm, nâng tầm giá trị cho búp chè cổ thụ trên đỉnh Tà Xùa và mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu.
Nhắc đến xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, ngoài những điểm săn mây tuyệt đẹp, nơi đây còn có sản phẩm chè được thu hái từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ, nằm ở độ cao trên 1.800 m so với mực nước biển. Hiện nay, xã có 300 ha cây chè Shan tuyết đã cho thu hoạch, trong đó, có 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở các bản: Bẹ, Tà Xùa, Chung Chinh, tuổi đời khoảng 200 - 300 năm, được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam. Do quanh năm mây phủ, độ ẩm cao và khí hậu trong lành, mát mẻ nên cây chè nơi đây có búp to, dưới lá chè có phủ một lớp lông tơ mịn, màu trắng như tuyết.
Theo những người cao tuổi ở Tà Xùa kể lại, không ai biết rõ cây chè có từ bao giờ, chỉ biết cây chè ở đây có hương vị đặc trưng và tốt cho sức khỏe, nên người dân đã mang hạt giống của cây chè từ rừng về trồng. Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Tà Xùa hàng trăm năm nay. Nghề sao chè cũng ra đời từ đó. Mỗi năm, cây chè Tà Xùa cho thu hái từ 3 - 4 đợt búp, vào các tháng 2, 4 và tháng 8, 10. Khi những búp chè nở rộ, bà con tiến hành thu hái theo kỹ thuật hai lá một tôm để cho ra sản phẩm chè chất lượng.
Với mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dựa trên xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Chè Tà Xùa Bắc Yên”, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm giá trị gia tăng và thu nhập cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị chè tại xã Tà Xùa. Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt cho Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Chè Tà Xùa Bắc Yên” cho sản phẩm chè của huyện Bắc Yên. Nhiệm vụ do ông Lê Đức Công, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm làm chủ nhiệm.
Ông Lê Đức Công chia sẻ: Phát triển thương hiệu “Chè Tà Xùa Bắc Yên”, nhóm đã đồng hành với Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, UBND huyện Bắc Yên xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chè Tà Xùa Bắc Yên”, với cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu là UBND huyện Bắc Yên. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các HTX mang sản phẩm chè Tà Xùa giới thiệu tại thị trường Hà Nội, kết nối với một số điểm bán trên địa bàn thành phố Sơn La để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.
Năm 2024, “Chè Tà Xùa Bắc Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Sau khi nhãn hiệu được bảo hộ, UBND huyện Bắc Yên đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân, gồm: HTX Nông nghiệp và Bảo tồn văn hóa dân tộc PLA; HTX nông nghiệp A Châu và hộ sản xuất Sồng A Dênh.
Nhóm triển khai nhiệm vụ đã hoàn thiện hệ thống nhận diện sản phẩm, xây dựng tem truy xuất QR code để cấp cho các cơ sở, hộ sản xuất được cấp quyền sử dụng NHCN. Đồng thời, hỗ trợ các cơ sở trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng tại xã Tà Xùa; điểm bán hàng của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La và các điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tại Hà Nội, như: Hệ thống siêu thị Happy Mart tại Hà Đông; hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Gia Hưng, tại Trung Kính - Cầu Giấy.
Ông Mùa A Lệnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Bảo tồn văn hóa dân tộc PLA, xã Tà Xùa, cho biết: Chè của HTX sao thủ công bằng tay, mất khoảng 3 - 4 giờ để tạo ra thành phẩm chè khô; với cách làm này, phấn chè không bị mất đi, giữ được hương vị đặc trưng của chè Tà Xùa. Tham gia vào nhiệm vụ, các thành viên HTX được tập huấn kiến thức về quản lý và sử dụng nhãn hiệu; marketing sản phẩm, cách thức đàm phán, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm trên mạng xã hội. Đây là tiền đề để chúng tôi mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và bà con nơi đây.
Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, chia sẻ: Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Chè Tà Xùa Bắc Yên” là lợi thế để khai thác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè gắn với phát triển du lịch. Huyện đã định hướng xã Tà Xùa tập trung phát triển sản phẩm chè gắn với du lịch sinh thái; khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm chè hàng hóa và khai thác quần thể 200 cây chè cổ thụ thành điểm tham quan.
Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu giúp sản phẩm chè Tà Xùa nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!