Cầu nối chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ

Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu đã triển khai được nhiều đề tài nghiên cứu mang lại giá trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mô hình trồng lan Hồ Điệp của Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu (Khu nghiên cứu) được bàn giao cho Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ quản lý và đưa vào sử dụng từ năm 2020, có tổng diện tích gần 35,5 ha; thực hiện chức năng, nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ về nông lâm nghiệp; sản xuất thử nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, khu nghiên cứu được đầu tư xây dựng 8 nhà màng, nhà kính, trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt, màng cắt nắng, lưới che côn trùng.

Bà Trần Thị Vân Anh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho biết: Trung tâm đang thử nghiệm cây trồng, vật nuôi mới để nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phối hợp với các trường đại học, học viện trong hỗ trợ công nghệ nuôi cấy mô, chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc một số loại rau, hoa quả có năng suất, chất lượng cao; từ đó đánh giá, nhân rộng chuyển giao cho các doanh nghiệp, HTX và cá nhân có nhu cầu.

Từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã triển khai 8 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; 1 đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở và phối hợp triển khai 1 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh; liên kết với 59 HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh, với trên 70 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Đặc biệt, năm 2023, Khu nghiên cứu đã triển khai Đề tài “Hoàn thiện quy trình nhân giống lan kim tuyến bằng phương pháp nuôi cấy mô”.

Kỹ sư Trần Thế Anh, Phòng Ứng dụng khoa học công nghệ, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chia sẻ: Cây lan kim tuyến là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, có tác dụng giảm đường huyết, điều trị ung thư, chống suy nhược thần kinh, kháng khuẩn... Do số lượng ít, bị khai thác tận thu và ngày càng khan hiếm, nên lan kim tuyến được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trồng trên giá thể; đến nay, đã hoàn thiện quy trình nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhân giống thành công 10.000 cây lan kim tuyến và đưa ra vườn ươm, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Thời gian tới, Trung tâm sẽ chuyển giao cho nhân dân và các doanh nghiệp để phát triển trồng lan kim tuyến thương phẩm, góp phần bảo tồn giống, nâng cao thu nhập từ loại cây này.

Bên cạnh đó, Khu nghiên cứu đang triển khai hiệu quả các mô hình trồng lan Hồ Điệp công nghệ cao; nho đen không hạt, nho mẫu đơn, dưa lê vàng lai, cà chua, ớt chuông trong nhà màng; trồng nấm hương, hoa cát tường và trồng thử nghiệm trồng cúc hoa vàng làm dược liệu, cây xương sáo làm thạch đen... Khu nghiên cứu đã hoàn thiện và làm chủ được các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đối với từng loại cây; nhiều sản phẩm cho thu hoạch và tiêu thụ ra ngoài thị trường. Các mô hình trở thành nơi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm và tuyên truyền, khuyến cáo nhân rộng cho nhân dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Phát huy vai trò cầu nối chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, Khu nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ, nghiên cứu nhiều loại cây trồng, vật nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất; góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, xanh, bền vững trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới