Phát triển du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống

Khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mộc Châu đầu tư phát triển dịch vụ du lịch gắn với giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng những địa điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng thu hút du khách.

Nhân dân bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. 

Đến khu nhà nghỉ cộng đồng homestay nằm trong vườn mận đang mùa hoa nở rộ của gia đình anh Hàng A Của, tiểu khu Pa Khen I, thị trấn Nông trường Mộc Châu, dọc hai bên được trồng rất nhiều loại hoa đa màu sắc; không khí trong lành, mát mẻ. Căn nhà giữ nguyên được những nét truyền thống và mộc mạc, gần gũi. Với sự bài trí khéo léo, anh Của đã tận dụng những ống tre trang trí hệ thống đèn, sử dụng vải thổ cẩm của dân tộc làm rèm ngủ, những ô cửa sổ thiết kế theo kiểu kéo dây để mở; phía tường rào xung quanh nhà được xếp bằng những hàng đá, dưới nền cũng được lát đá gọn gàng, sạch sẽ.

Nói về quá trình làm homestay, anh Hàng A Của chia sẻ: Trước đây, gia đình chỉ biết trồng ngô, su su và mận hậu, cả năm thu khoảng 50 triệu đồng. Sau khi tìm hiểu và thăm quan những mô hình dịch vụ du lịch nhà nghỉ cộng đồng, với quyết tâm làm giàu, cùng mong muốn lưu giữ những nét đẹp đặc sắc của dân tộc mình, năm 2018, tôi đầu tư 600 triệu đồng từ vốn tích góp và vay mượn bạn bè để dựng nhà sàn rộng hơn 150 m2, khả năng đón cùng lúc 30 du khách nghỉ trọ. Đồng thời, tôi học thêm cách hướng dẫn, thuyết minh du lịch để có thể đưa các đoàn khách đi các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện; giới thiệu du khách những nét văn hóa độc đáo của địa phương; tổ chức các hoạt động trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông, như thu hoạch rau quả, hái mận, giã bánh dày, múa khèn, thêu trang phục truyền thống, chơi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ do chính các thanh niên trong tiểu khu dàn dựng, biểu diễn... Nhờ đó, ngày càng có nhiều khách du lịch đến lưu trú. Năm 2022, homestay đón gần 1.000 lượt khách, doanh thu hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm 6 lao động địa phương.

Rời homestay A Của, chúng tôi đến với bản Tà Số, xã Chiềng Hắc. Đây là nơi sinh sống của hơn 320 hộ đồng bào Mông, được chia thành hai bản Tà Số 1 và Tà Số 2. Khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cùng sự quan tâm đầu tư của huyện Mộc Châu, đường lên bản và các tuyến đường nội bản được bê tông hóa sạch sẽ. Năm 2020, bản Tà Số được huyện Mộc Châu chọn và hỗ trợ làm điểm phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông, điều này đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân. Những hộ làm du lịch cộng đồng ở bản được tập huấn, truyền đạt kiến thức cơ bản về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng, như: Kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách du lịch, đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại nhà, hướng dẫn tham quan...

Chị Tráng Thị Dớ, chủ homestay A Lu, ở bản Tà Số 1, chia sẻ: Với 100 triệu đồng được hỗ trợ vay từ Dự án Great, tôi đầu tư thêm 100 triệu đồng xây dựng nhà nghỉ cộng đồng, đáp ứng nhu cầu lưu trú của 20 khách du lịch, giá dịch vụ 150.000 đồng/người/ngày; trung bình mỗi tháng gia đình đón từ 60-80 lượt khách, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho các thành viên gia đình.

Du khách trải nghiệm múa sạp tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu.                                          
   Ảnh: PV

Ông Mùa A Lứ, Trưởng bản Tà Số 2, cho biết: Từ hoạt động du lịch, ngoài nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, các phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, múa khèn Mông và những nghề thủ công làm giấy, rèn dao, dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong... của đồng bào dân tộc Mông được phục dựng, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Các hộ dân cũng từng bước nâng cao ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; thành lập đội văn nghệ, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt, đón khách tham quan, lưu trú.

Cùng gia đình đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại bản Tà Số 2, anh Nguyễn Đức Khiêm, tỉnh Hải Dương, chia sẻ: Tôi ấn tượng với cách đồng bào dân tộc Mông làm du lịch cộng đồng, rất chuyên nghiệp và giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng. Đến đây, gia đình tôi được trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt hằng ngày cùng chủ nhà; các con của tôi háo hức tìm hiểu những nét văn hóa, cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc Mông, điều mà các cháu mới chỉ được đọc qua sách vở.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông làm dịch vụ du lịch, tập trung chủ yếu ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc; tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu và bản Pa Phách, xã Đông Sang. Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại các bản đồng bào dân tộc Mông, bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện Mộc Châu tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về du lịch cộng đồng và hỗ trợ các hộ kinh phí trong quá trình làm du lịch. Vận động các hộ dân nâng cao nhận thức trong giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, những nét hoang sơ của tự nhiên ban tặng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới