Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát

Nhiệm kỳ 2021-2026, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La có 7 đại biểu, với vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề trong đời sống xã hội, được cử tri và dư luận quan tâm.

Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Sông Mã. 

 Hoạt động giám sát phù hợp với thực tiễn

Bám sát chương trình công tác của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội đất nước và của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh xây dựng chương trình giám sát để thống nhất thực hiện. Các cuộc giám sát của Đoàn đều mời đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành liên quan, các chuyên gia, các cơ quan báo chí của tỉnh cùng tham dự, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Đoàn. Sau mỗi cuộc giám sát, Đoàn đều có báo cáo kết quả, đồng thời có kiến nghị đối với các cơ quan liên quan đến nội dung giám sát. Theo đó, kết quả giám sát từng bước tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Bước vào nhiệm kỳ mới cũng là thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chủ động điều chỉnh cách thức hoạt động cho phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó, hoạt động giám sát tập trung thực hiện thông qua xem xét các văn bản tại kỳ họp HĐND tỉnh; công tác ban hành văn bản quy phạm pháp tại địa phương và thông qua hoạt động tiếp công dân, theo dõi giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát thường xuyên công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Năm 2022, trên cơ sở chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung triển khai giám sát 3 nội dung, gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, thực hiện giám sát theo chương trình giám sát của Đoàn đối với 2 nội dung, gồm: Việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh. Sau giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ban hành các báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến các cơ quan chịu sự giám sát tổng số có 60 kiến nghị (Trung ương 27 kiến nghị; địa phương 33 kiến nghị).

Chú trọng giám sát chuyên đề

 “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” là 2 chuyên đề giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong năm 2023 và được Đoàn ĐBQH tỉnh triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023.

Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 tại huyện Phù Yên.

Sơn La có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam để phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đồng thời khai thác các lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực năng lượng đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2021, đã phát triển thêm được 22 dự án thủy điện nhỏ đi vào vận hành với tổng công suất 142 MW, nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện lên thành 4.025,8 MW, bổ sung quy hoạch được 21 nhà máy thuỷ điện nhỏ với tổng công suất 222,8 MW.

Trong quá trình thực hiện, các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn chấp hành các quy định về an toàn đập, hồ chứa, vận hành an toàn, ổn định với sản trung bình năm khoảng 12.000 -15.000 triệu kwh đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân cả tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2021 và phần lớn (khoảng 94%) lượng điện sản xuất ra được cung cấp cho hệ thống điện quốc gia thông qua các đường dây truyền tải, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, việc phát triển thủy điện cũng có ảnh hưởng nhỏ đến môi trường, rừng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nguồn tài nguyên đất, nước (duy trì dòng chảy tối thiểu, khả năng điều tiết nước vùng hạ lưu) và đời sống nhân dân.

Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra thực tế tại Nhà máy thủy điện Suối Sập 2, huyện Phù Yên.

Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tích hợp, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có Quy hoạch phát triển năng lượng trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo; chú trọng đến phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, sạch và bền vững (Năng lượng mặt trời, điện gió, thuỷ điện tích năng...); giải quyết triệt để tình trạng quy hoạch trùng, chồng lấn đối với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Thực hiện tốt quy định của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong quản lý nhà nước phát triển năng lượng nói chung và thuỷ điện nhỏ nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu đầu tư và người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí về đảm bảo giữ gìn môi trường sinh thái, phát triển bền vững gắn với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn có chịu tác động của các dự án phát triển năng lượng, thuỷ điện nhỏ. Huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm phát triển năng lượng, chú trọng hệ thống truyền tải điện năng, cơ sở hạ tầng, làm cơ sở để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với các kiến nghị của các sở, ngành, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp, trình Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, để có giải pháp tháo gỡ, góp phần điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hoàn thiện việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.

Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Sông Mã. 

Qua giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên địa bàn tỉnh Sơn La, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề xuất 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51, gồm: Nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Đồng thời, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án... hoặc đề xuất Chính phủ có Chương trình, Đề án ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương khó khăn như Sơn La để mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông, theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025). Hướng dẫn giảm tiết dạy (hoặc có chính sách hỗ trợ phù hợp); có hướng dẫn cụ thể về chế độ đối với giáo viên dạy liên trường (định mức, phụ cấp phù hợp), đặc biệt tại các địa phương có nhiều điểm trường lẻ, địa hình chia cắt và giao thông đi lại khó khăn như Sơn La. Có chế độ ưu tiên, khuyến khích trong đào tạo các ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm ngoại ngữ, tin học nhằm giải quyết bài toán khó khăn trong nguồn tuyển và thiếu nhiều giáo viên trong cả nước nói chung, tại Sơn La nói riêng.

Đổi mới hoạt động giám sát

Qua  giám sát, kịp thời chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong triển khai thực hiện các nghị quyết và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc và tồn tại, hạn chế, như: Chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao các địa phương tập trung vào những tháng đầu năm phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các cuộc giám sát. Một số vướng mắc trong việc gửi, tiếp thu, trả lời các kiến nghị qua giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh: Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Trung ương, hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc phản hồi (tiếp thu hoặc không tiếp thu) đối với các kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh (đặc biệt là đối với các cơ quan thi hành pháp luật), do đó việc tiếp thu các nội dung kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH chủ yếu qua việc tự cập nhật thông tin.

Đối với kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan địa phương, về cơ bản đã được các cơ quan chịu sự giám sát tiếp thu, xem xét và trả lời. Tuy nhiên, còn có văn bản tiếp thu, trả lời sau giám sát của cơ quan chịu sự giám sát mới chỉ dừng lại ở việc có văn bản chỉ đạo ‘‘sẽ thực hiện’’ hoặc ‘‘giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu đề xuất’’.

Đoàn Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh động viên học sinh Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THCS &THPT Sông Mã.

Đổi mới hoạt động giám sát có ý nghĩa then chốt trong nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đổi mới về nội dung và cách thức tổ chức hoạt động giám sát được ưu tiên hàng đầu, tăng cường hoạt động khảo sát, giám sát; quan tâm, lựa chọn nội dung chuyên đề gắn với thực tiễn, những vấn đề nóng được cử tri và nhân dân quan tâm, bố trí thời gian giám sát phù hợp bằng nhiều hình thức bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả.

Tăng cường xem xét các kiến nghị giám sát chưa được thực hiện, có nghiên cứu, xem xét việc thực hiện ‘‘tái giám sát’’ các kiến nghị sau giám sát với các cơ quan chịu sự giám sát; quy định định kỳ xem xét việc giải quyết kiến nghị giám sát tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tương tự như xem xét, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri).

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc trên cơ sở các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong nhiệm kỳ; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm, công tác bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức các cơ quan tham mưu, phục vụ các hoạt động giám sát của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, ĐBQH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động giám sát của Quốc hội.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới