Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng chí Vi Đức Thọ, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia ý kiến

Theo các đại biểu Quốc hội, việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là hợp lý, bởi, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong điều kiện hiện nay, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Vi Đức Thọ tham gia ý kiến vào Dự án luật:

Đề nghị xem xét quy định rõ tiêu chí về nhãn hiệu nổi tiếng, quy định đang chung chung, không có tiêu chí, không lượng hóa đánh giá được. Thậm chí nội hàm "nổi tiếng" đã phản ánh sự tương đối, khó đánh giá về mặt pháp luật và quản lý nhà nước. Mặt khác, nhãn hiệu gắn với hàng hóa, sản phẩm và người tiêu dùng ở nghĩa rộng hay hẹp đối với bất kể loại hàng hóa được xác định bằng giá trị kinh tế, do đó sử dụng "công chúng" tại nội dung này là chưa phù hợp.

Đề nghị Quốc hội xem xét rà soát, làm rõ nội hàm và ý nghĩa về mặt pháp luật, tác động trong thực tiễn khi luật có hiệu lực của một số thuật ngữ được sử dụng nhiều lần tại các điều khoản sửa đổi bổ sung lần này. Cụ thể là: Cụm từ "Sử dụng hợp lý"'; "Sao chép hợp lý" quy định tại khoản 9 Điều 1 của dự thảo; quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 25. Tại điểm b, c, e khoản 1, Điều 25; điểm c Khoản 1, Điều 32. Đề nghị làm rõ nội hàm "hợp lý" là ở mức độ nào để không xâm phạm quyền tác giả? Đồng thời đề nghị ghép 2 điểm a, b thành 1 điểm, do nội dung tương tự nhau. Cụm từ "thiệt hại một cách bất hơp lý" tại khoản 2, Điều 25 và khoản 2, Điều 26, làm rõ nội hàm của thiệt hại bất hợp lý. Nếu quy định như trên mặc nhiên thừa nhận có sự thiệt hại khi sử dụng tác phẩm, chỉ là mức độ khác nhau để đánh giá có hợp lý hay không. Điều này mâu thuẫn với nguyên tắc bảo hộ, bảo vệ tác giả tác phẩm được quy định trong luật. Đề nghị xem xét làm rõ nội dung, nội hàm của mục này.

Tại khoản 4: Bổ sung Điều 12a vào trước Điều 13 tại Mục 1 Chương I  Phần thứ 2, đề nghị quy định rõ cụm từ "thống nhất ý chí" tại Khoản 3, đề nghị quy định rõ nội dung này cần thống nhất bằng văn bản nhằm xác định rõ thỏa thuận, giữa các đồng tác giả, làm cơ sở thực hiện các quyền lợi khác, tránh tranh chấp, không có căn cứ giải quyết tranh chấp phát siinh nếu "thỏa thuận, thống nhất bằng ý chí".

Khoản 4, Điều 19, đề nghị xem xét phân biệt, tách rõ quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của tác giả và hậu quả của sự không toàn vẹn gây ra. Tại Khoản 6, Điều 28, đề nghị xem xét quy định rõ nội hàm cụm từ "khi biết hoặc có cơ sở để biết", để làm rõ việc vô ý hay cố ý vi xâm phạm quyền tác giả.

Chiều 31/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

TKTS tổng hợp

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới