"Miền quê cổ tích" là danh từ mà rất nhiều du khách nói về Ngọc Chiến sau những lần tới thăm quan, trải nghiệm. Ngoài sở hữu những cảnh đẹp hiếm nơi nào có, Ngọc Chiến còn mang trong mình một câu chuyện tình đẹp, lãng mạn của đôi trai gái xưa. Theo truyền thuyết, tình yêu của họ là cội nguồn cho một Ngọc Chiến ngày nay.
Điểm du lịch cây tình nhân trên cánh đồng Mường Chiến, xã Ngọc Chiến (Mường La).
Ngọc Chiến cách trung tâm huyện Mường La 30 km. Để đến Ngọc Chiến phải đi qua đỉnh Sam Síp ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển, với 30 khúc cua ẩn mình trong biển mây. Nhưng khi vượt qua đỉnh đèo, du khách ngỡ như lạc vào miền cổ tích, ở đó phong cảnh sơn thủy hữu tình, cho du khách những góc nhìn độc lạ, hiếm thấy ở nơi khác.
Vừa dạo quanh một vòng thăm bản Lướt cùng gia đình, chị Nguyễn Ngọc Huyền, đến từ Hà Nội, cho biết: "Tôi biết đến Ngọc Chiến qua giới thiệu của bạn bè, rồi tự tìm hiểu trên diễn đàn ngochienpearlhomestay.com. Qua tìm hiểu, tôi biết thêm nhiều chuyện kể về Ngọc Chiến và nhận thấy, nếu đến Ngọc Chiến chỉ nhìn và cảm nhận bằng mắt, vị giác thôi chưa đủ, bởi ẩn sau những tên bản, tên làng là cả một bề dầy lịch sử - văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc. Khi đến đây, tôi thấy Ngọc Chiến rất đẹp, hấp dẫn, người dân rất gần gũi, thân thiện..."
Chia sẻ của vị khách trẻ cùng gia đình vượt qua gần 400 km để đến Ngọc Chiến đủ thấy sức hút của Ngọc Chiến, ngoài cảnh sắc thiên nhiên, còn tìm hiểu và biết đến nhiều câu truyện hấp dẫn. Theo “Truyền thuyết khâu Sam síp” (truyền thuyết của người Thái trắng Ngọc Chiến) kể lại rằng: Ngày xưa, ở một bản trên vùng thượng nguồn sông Đà, có một chàng trai là người ở đem lòng yêu con gái của chủ nhà. Người này có uy quyền và giàu có nhất ở mường đó. Tình yêu của họ không được bố cô gái chấp nhận. Vì theo tập tục, người ở, người nghèo không thể lấy người quý tộc. Nhưng cô con gái quyết phá bỏ tục lệ để lấy chàng trai người ở làm chồng. Để đến được với nhau, đôi trai gái cùng một số người hầu xuôi bè theo sông Đà để đi tìm nơi ở mới. Sau nhiều ngày di chuyển, đoàn người đã chọn bản Mường Chiến nơi có cánh đồng rộng ngút tầm mắt ngày nay làm nơi định cư.
Ngày nay, khi du khách đến Ngọc Chiến sẽ thấy ở giữa cánh đồng mênh mông có hai cây cổ thụ đứng kề bên nhau, bà con dân bản gọi là “Cây tình nhân”. Cây có từ bao giờ người già nhất bản cũng không biết và cũng chẳng ai biết đó là cây gì, người ta chỉ biết rằng, từ ngày sinh ra đã thấy hai cây này như vậy. Người có kinh nghiệm đi rừng nhiều năm cũng nói là trong rừng không gặp loại cây nào như thế này; người thì bảo cây này lấy về làm củi đốt cũng không cháy. Hai cây không to cao, cũng không sum xuê cành lá, nhưng rắn chắc, toàn thân phủ đầy rêu và địa y, vươn mình đón mưa rừng, gió núi đã bao đời nay. Nhìn xa hai cây giống như hai con người đang bên nhau, che chở, chia sẻ, bảo vệ nhau. Một cây cao, cành lá tỏa rộng, cây còn lại cành lá mọc lệch một bên, hai cây như đang hòa quyện làm một. Sao lại gọi là “Cây tình nhân”? cây do ai trồng? năm nay cây bao nhiêu tuổi? không ai biết. Bà Lò Thị Son, năm nay 96 tuổi, ở bản Mường Chiến 1 cũng chỉ nhớ khi còn bé, bà đã thấy “Cây tình nhân” cao lớn và tỏa bóng mát trên cánh đồng!
Với đường kính thân cây hơn một vòng tay người ôm, nhiều người bảo cây đã vài trăm năm tuổi. Để có câu trả lời thỏa đáng, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Mường La, người có nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường La. Cách lý giải thuyết phục được ông Sáng dựa vào “Truyền thuyết khâu Sam Síp”. Theo nội dung trong truyền thuyết thì “Cây tình nhân” có mặt cùng với nhóm người Thái trắng khi đến đây lập bản, lập mường. Vì theo phong tục dân tộc Thái, khi định cư ở đâu, người ta sẽ trồng cây ở đầu bản, đặt tên là cây Lắc mương, nghĩa là cây ranh giới giữa bản với bên ngoài và họ dặn nhau: Những điều tốt đẹp và những điều xấu xa cũng chỉ đem ra đến đây. Cũng như vậy, khi con thú rừng vào bản bắt vật nuôi, nếu có xua đuổi thì cũng chỉ ra đến hai cây này là dừng lại. Ranh giới không chỉ mang ý nghĩa địa lý, mà còn mang cả ý nghĩa tâm linh. Cây Lắc mương được coi là một trong ba vị trí thiêng liêng trong vùng, tuyệt đối không được mạo phạm, đó là Nhà thờ Mường Chiến, Núi thần (Pu Tạo Luông) và cây Lắc mương. Trong cuộc sống thường ngày, bà con thường ra đây để cầu xin hạnh phúc, nhất là những cặp đôi yêu nhau.
Còn theo ông Lò Văn Án, Trưởng bản Mường Chiến 1, để tưởng nhớ ông bà, người Thái trắng Ngọc Chiến gọi hai cây này là “Cây tình nhân”. Họ tin rằng, cây này là hiện thân của ông bà - đôi tình nhân ngày đó. Là biểu tượng cho mối tình thủy chung, son sắt; là kết quả tốt đẹp của một cuộc thiên di đẫm nước mắt nhưng thành công, hạnh phúc viên mãn... Để bảo vệ “Cây tình nhân” bản đã xây dựng quy ước, hương ước cam kết không chặt phá.
“Đất lành chim đậu”, Ngọc Chiến ngày nay có 14 bản, là nơi sinh sống của 2.174 hộ đồng bào dân tộc Kinh, Mông, La Ha, Thái. Cách không xa “Cây tình nhân” là bản Nà Tâu, nơi có cây sa mu 1.000 năm tuổi. Xa hơn là thác Băng Lỏng, đập thủy điện Nậm Chiến, bản Nặm Nghẹp nổi tiếng với những rừng cây sơn tra cổ thụ bung nở trắng núi đồi sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt, du khách được khám phá các nét văn hóa độc đáo qua văn hóa then, lễ hội mừng cơm mới, lễ hội cúng vía trâu, lễ dâng hoa măng, nhất là được trải nghiệm “tắm tiên” cùng các sơn nữ trong những mó nước nóng cộng đồng tại bản Lướt.
Ngọc Chiến không chỉ đẹp nên thơ mà còn cuốn hút du khách bởi kiến trúc “xanh” độc đáo. Những ngôi nhà truyền thống mái lợp pơ mu, những chiếc bàn bằng tre, những bức từng trang trí bằng đá cuội, những con đường bê tông ngập tràn trong sắc hoa... Người Ngọc Chiến đã biết sản xuất nông nghiệp sạch với phát triển du lịch, giữ gìn và phát huy bản sắc, tạo sự thân thiện, gần gũi thiên nhiên. Ngọc Chiến - miền cổ tích đang trở thành điểm đến hấp dẫn của mỗi du khách khi du lịch qua miền Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!