Du xuân trên thảo nguyên xanh

Trong thời khắc giao mùa đón xuân sang, cao nguyên Mộc Châu như khoác trên mình bộ trang phục đa sắc màu, với màu trắng tinh khôi của hoa cải, hoa mận; màu xanh non của đồng cỏ, đồi chè trải khắp sườn đồi; những vườn đào phớt hồng bung nở trong nắng xuân ấm áp... tạo nên một vẻ đẹp trong lành, thơ mộng.

Sắc xuân trên thảo nguyên

 

Hòa trong dòng người náo nức đón mùa xuân trên thảo nguyên, tôi cũng như bao du khách đều say đắm, ngất ngây khám phá cảnh sắc mùa xuân nơi cao nguyên xinh đẹp. Điểm dừng chân đầu tiên là những đồi chè xanh tươi, vươn búp non mơn mởn, căng tràn sức sống, rất khó để chọn đồi chè nào đẹp nhất, bởi thảo nguyên có gần 2.000 ha chè được ươm mầm từ những năm 1960. Những đồi chè xanh tươi tốt được trồng thành hàng, bao phủ tất cả những ngọn đồi, như tấm thảm xanh trải dài bất tận. Dưới ánh nắng xuân ấm áp, được đắm mình trong không gian xanh, thoang thoảng hương chè, khiến bao mỏi mệt đều tan biến. Xuân về, Mộc Châu còn có loài hoa đặc trưng, đó là hoa mận. Khi đông qua, xuân tới, những cành mận khẳng khiu, khô mốc được tiếp thêm nhựa sống bắt đầu nảy lộc, đơm hoa. Với trên 2.700 ha mận, mùa xuân hoa nở trắng núi rừng tạo nên một khung cảnh nên thơ và dịu dàng. Hoa mận Mộc Châu đẹp không chỉ bởi vẻ mong manh, tinh khôi mà còn bởi khi đã nở, hoa sẽ bung ra ồ ạt. Những cây mận đua nhau khoe sắc, những bông mận nhỏ phủ kín cành cây giống như chiếc áo choàng trắng tinh khôi bao phủ cả một vùng, tuyệt đẹp…

Cánh đồng hoa cải xã Chiềng Sơn (Mộc Châu).

Ảnh: TS

Mùa xuân đến với cao nguyên Mộc Châu du khách còn gặp nhiều loài hoa khác như: cải, tam giác mạch, dã quỳ, đào… ở dọc đường đi, trên những sườn đồi, thung lũng, ẩn hiện trong những bản làng, tại nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn như: Rừng thông bản Áng (Đông Sang), Happy land (Mường Sang), vườn mộng mơ (Phiêng Luông)… Là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn dành cho những ai yêu thích khung cảnh hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.

Đến khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm, một điểm du lịch nổi tiếng mà du khách không thể bỏ qua khi đến Mộc Châu, thác nước đổ trắng xóa như dải lụa giữa núi đồi; trải nghiệm trên cầu kính tình yêu cảm nhận được vẻ đẹp, hấp dẫn, độc đáo của công trình này. Anh Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông chia sẻ: Với phương châm luôn đổi mới hướng tới sự hài lòng của du khách, Công ty chú trọng tạo ra sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách. Nổi bật là cầu kính tình yêu bắt đầu phục vụ du khách từ ngày 30/4/2019, cầu dài 80 m, rộng 2 m, sử dụng công nghệ kính 5D hiện đại và an toàn với nhiều hiệu ứng thay đổi liên tục, tạo cảm giác độc, lạ: Khi là những con cá bơi dưới chân, khi là muôn hoa đua sắc, nhưng thú vị nhất chính là hiệu ứng kính vỡ kèm theo âm thanh như thật. Bên dưới cầu là dòng nước chảy, làm tăng thêm sự hồi hộp, kịch tính khi đi trên cầu. Bên cạnh đó, du khách còn được tham quan rất nhiều điểm dừng chân lôi cuốn như: Ga hẹn hò, Đền tình yêu, Cổng mặt trời hay hòa mình trong sắc hoa anh đào trang trí xung quanh rất bắt mắt... Đặc biệt, vào dịp cuối tuần tổ chức biểu diễn văn hóa dân tộc phục vụ du khách, với những diễn viên là chính những cô gái Thái duyên dáng, xinh đẹp sinh ra tại vùng đất này. Chính những nét độc đáo, riêng biệt này đã thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm…

Thật khó có thể diễn tả hết bằng lời sự quyến rũ lạ kỳ của cao nguyên bước vào mùa xuân. Xuân về mang đến một sức sống mới khiến cả đất trời bừng lên màu nhựa sống, cây cối tốt tươi. Cảnh vật tươi mới khiến con người rộn ràng, xốn sang hơn, đặc biệt hình ảnh những chàng trai, cô gái Mông trong những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu từng tốp bẽn lẽn trêu đùa dưới những gốc đào, gốc mận bung nở, trong tiếng khèn mời gọi khiến lữ khách đi mãi chẳng muốn về…

Vùng đất của lễ hội

Đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình khám phá là anh Ngô Thành Đạo, cán bộ Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu Sinh ra, lớn lên và rất am hiểu về vùng đất này, anh Đạo khoe: Mộc Châu không chỉ đẹp vào mùa xuân, mà mùa nào cũng đẹp, bởi nơi đây có những đặc điểm riêng biệt không phải nơi nào cũng có được, dù là mùa hè hay mùa đông, dù ngày sương mù trắng núi hay những ngày nắng vàng trải dài trên những đồi chè, vườn cây ăn quả... đều tạo cho du khách những ấn tượng đặc biệt. Cùng với đó, nhiều di tích, danh thắng đẹp... Nơi đây còn là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc, mỗi dân tộc có nét riêng về văn hóa, lễ hội, phong tục, tất cả hoà chung để tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt mang thương hiệu Mộc Châu.

Khu du lịch sinh thái Thác Dải Yếm, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Quả thực đến Mộc Châu, ngoài phong cảnh đẹp, chúng tôi còn được sống trong không gian văn hóa đa sắc của các dân tộc, được tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc, từ nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt là điệu xòe Thái, nhảy tha kềnh, múa khèn của người Mông; nghề thủ công, mỹ nghệ dệt thổ cẩm, mây tre đan của các dân tộc. Đây cũng chính là lợi thế để Mộc Châu phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, loại hình du lịch cộng đồng đã và đang hình thành tại nhiều bản của một số xã trên địa bàn huyện như: bản Áng (Đông Sang), bản Dọi (Tân Lập), bản Vặt (Mường Sang)... Đến và trải nghiệm, du khách được sống trong không gian văn hóa truyền thống, trong nếp ăn, ở, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần tạo điểm nhấn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Mộc Châu.

Chưa hết, những tiềm năng thế mạnh của Mộc Châu đều được gắn với các lễ hội xuyên suốt các mùa trong năm. Mùa xuân, cao nguyên náo nức với các Lễ hội hoa xuân, Hết Chá, Cầu mưa, Khinh khí cầu, đón hoa ban nở. Mùa hè, miền đất này bừng sáng trong màu xanh của những đồi chè, sắc đỏ của mùa mận chín, trong muôn màu của sắc hoa lan, cũng là lúc diễn ra Lễ hội hoa lan, Lễ hội trà cao nguyên và Lễ hội hái quả... độc đáo và riêng có, thu hút nhân dân và du khách đến tham quan, trẩy hội. Bước sang mùa thu, Mộc Châu nô nức trong Ngày hội văn hóa các dân tộc, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Mùa đông, là lúc cả Mộc Châu được phủ dày trong sắc trắng tinh khôi của hoa cải, sắc vàng của hoa dã quỳ... tô điểm thêm cho các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức tại các bản văn hóa, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, mời gọi du khách tham quan, trải nghiệm. Mùa đông, trên miền thảo nguyên xanh này sẽ diễn ra một cuộc thi độc đáo, ấn tượng mà chỉ duy nhất Mộc Châu mới có: “Thi Hoa hậu bò sữa”...

Để thảo nguyên ngày càng đẹp hơn

 

Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với mục tiêu xây dựng Mộc Châu trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách. Chia sẻ về việc này, đồng chí Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện Mộc Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát triển du lịch đảm bảo hài hòa các yếu tố: Kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường; hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch. Theo đó, huyện đã tăng cường quản lý về du lịch; quy hoạch và quản lý quy hoạch, đảm bảo hài hòa với môi trường, không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên; phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch. Cùng với đó, huyện cũng tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cho doanh nghiệp thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại giữa UBND huyện, các ngành với các doanh nghiệp để trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhờ đó, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư vào địa bàn.

Chính cách làm này, những năm gần đây huyện Mộc Châu tập trung thu hút đầu tư, huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước... Đến nay, trên địa bàn huyện có 270 cơ sở lưu trú du lịch (1 khu resort, 6 khách sạn) với gần 2.500 phòng và nhiều cơ sở phục vụ ăn uống, giải trí; thu hút trên 20 nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn huyện; 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 11.000 tỷ đồng. Trên cơ sở phát huy 3 yếu tố lợi thế chính (thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp), Mộc Châu đã xây dựng nhiều sản phẩm du lịch với các loại hình: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa, thể thao; du lịch về nguồn lịch sử - văn hóa; du lịch sinh thái; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện; du lịch nông nghiệp; du lịch trải nghiệm... Đặc biệt, với sự tương hỗ của một vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng trồng rau, hoa đã hỗ trợ cho sự phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, trải nghiệm. Bởi vậy, lượng khách du lịch đến tham quan tại Mộc Châu ngày càng tăng, chỉ tính trong năm 2019, Mộc Châu thu hút trên 1,2 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Với vẻ đẹp được tạo hóa ban tặng, cùng với định hướng đúng, trúng trong phát triển du lịch, tin rằng cao nguyên Mộc Châu sẽ ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn, mời gọi du khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới