Bắc Yên phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Huyện vùng cao Bắc Yên là nơi sinh sống của 7 dân tộc Mông, Kinh, Thái, Mường, Dao; được thiên nhiên ưu đãi không khí mát mẻ quanh năm; nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử cùng những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng Tây Bắc. Để phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, huyện Bắc Yên đã và đang chú trọng khôi phục, duy trì, nâng cao chất lượng các lễ hội, làng nghề, trang phục truyền thống mang đậm giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao.

 

 

Đồng bào dân tộc Mông bản Hang Chú, xã Hang Chú (Bắc Yên) chế tác khèn thủ công truyền thống.

 

Theo đó, Bắc Yên đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND huyện về Kế hoạch bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bắc Yên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành lập quy hoạch và cắm mốc giới bảo vệ, xây dựng hạ tầng giao thông; đề nghị đầu tư trùng tu tôn tạo đối với 2 di tích đã được xếp hạng: Hang A Phủ (xã Hồng Ngài) và bãi đá cổ Khe hổ (xã Hang Chú); lập hồ sơ khoa học 3 di tích cấp tỉnh là Khu tranh đấu Tạ Khoa, Khu kháng chiến Chiềng Sại, bàn thờ đá Mùa Chống Lầu, xã Hang Chú và 2 di tích cấp quốc gia Bến phà Tạ Khoa và đèo Chẹn. Đồng thời, phối hợp với Bảo tàng tỉnh điều tra, khảo sát trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống, công cụ sản xuất sinh hoạt của đồng bào Mông các xã Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng; lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và triển khai thí điểm mô hình bản văn hóa du lịch tại xã Tà Xùa gắn với văn hóa dân tộc Mông nhằm bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch. Các nghề truyền thống đang được chú trọng phát triển, gồm: Nghề rèn, làm khèn bè, nấu rượu Hang Chú của người Mông; mây tre đan của người Mường, người Thái...; quảng bá, giới thiệu nét văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc trên địa bàn huyện trong các lễ hội, ngày hội. Xây dựng và duy trì hoạt động của 189 đội văn nghệ; chú trọng bảo tồn và phát triển những điệu múa, nhạc cụ dân tộc; phục dựng và duy trì Lễ hội cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Xên bản của dân tộc Thái... Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch tại một số điểm, phát triển mô hình du lịch cộng đồng đi kèm các dịch vụ như cung cấp nhà nghỉ cộng đồng homestay... Thông qua các hoạt động kể trên, du lịch bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, trong năm 2019, toàn huyện đón 40.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt khoảng 19,61 tỷ đồng, tăng 30,6% so cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, Bắc Yên còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do xu hướng thương mại hóa, khiến nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, riêng biệt không còn được bảo tồn nguyên gốc; hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ, địa hình phức tạp, di chuyển không thuận lợi, thường xuyên phải hứng chịu những tác động tiêu cực từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách, bố trí, sử dụng cán bộ trong lĩnh vực văn hoá cũng còn nhiều hạn chế. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Thời gian tới, huyện Bắc Yên sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu; triển khai thưc hiện các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ khách du lịch; tăng cường quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn; gìn giữ, sưu tầm, bảo tồn trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất, tranh ảnh, sách cổ, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc...

Có thể thấy, với giải pháp đúng đắn cùng với sự quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Bắc Yên đã và đang trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới